Trái phiếu quốc tế là gì? Có nên đầu tư vào trái phiếu quốc tế?

Trái phiếu quốc tế (tiếng Anh là Global bond hoặc International bond), là chứng chỉ vay nợ do nhà phát hành, có thể là chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế của một nước hay các tổ chức tài chính quốc tế… phát hành trên thị trường vốn quốc tế, nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư trên thế giới.

Hiểu đơn giản, trái phiếu quốc tế chính là loại trái phiếu được phát hành bởi chính phủ, chính quyền địa phương hoặc tổ chức tài chính quốc tế nhằm mục đích huy động tối đa nguồn vốn của nhà đầu tư ở các nước khác.

Đặc điểm của trái phiếu quốc tế

  • Nhà phát hành có thể là chính phủ, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức tài chính quốc tế
  • Để phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, nhà phát hành có thể sử dụng nhiều loại trái phiếu quốc tế khác nhau.
  • Trái phiếu quốc tế có thể được cung cấp đồng thời tại nhiều thị trường vốn như châu Mỹ, châu Âu, châu Á…

Trái phiếu quốc tế là gì? Có nên đầu tư vào trái phiếu quốc tế?

Phân loại trái phiếu quốc tế

Trái phiếu quốc tế có thể được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, tuy nhiên hiện nay trên thị trường trái phiếu quốc tế được phân thành 2 loại cơ bản sau đây trên cơ sở thị trường phát hành:

Trái phiếu nước ngoài

Đây là là loại trái phiếu do nhà phát hành ở một nước phát hành trên thị trường vốn của một nước khác bằng đồng tiền của nước mà trái phiếu được phát hành và người phát hành phải tuân thủ hệ thống pháp lý về phát hành chứng khoán của nước đó.

Ví dụ: Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế trên thị trường vốn của nước Mỹ bằng chính đồng tiền VNĐ và bắt buộc phải tuân thủ hệ thống pháp lý của nước Mỹ.

Loại trái phiếu này tùy từng quốc gia mà sẽ có tên gọi khác nhau. Ví dụ:

  • Trái phiếu nước ngoài tại thị trường Nhật gọi là Samurai
  • Trái phiếu nước ngoài tại Anh được gọi là Bulldogs.
  • Trái phiếu nước ngoài chào bán tại Mỹ được gọi là Yankee
  • Trái phiếu nước ngoài chào bán tại thị trường Úc được gọi là Matilda

Trái phiếu châu Âu

Đây là loại trái phiếu được phát hành đồng thời ở nhiều nước, ở nhiều trung tâm tài chính quốc tế và thông thường được phát hành bằng đồng tiền khác với đồng tiền của nước mà trái phiếu được bán ra ở đó.

Ví dụ một doanh nghiệp hoặc một công ty có thể phát hành trái phiếu bằng đồng USD tại cả các nước Anh, Đức, Hàn và Mỹ.

Hiện nay phần lớn các công ty đa quốc gia, các công ty lớn, các chính phủ các nước, các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức quốc tế đều có thể phát hành trái phiếu châu Âu.

Các loại trái phiếu châu Âu đều là trái phiếu vô danh và được đảm bảo thanh toán.

Các quy định về phát hành trái phiếu quốc tế

3

Việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được quy định như sau:

Điều kiện phát hành trái phiếu quốc tế

Theo Điều 18, Nghị định 163/2018/NĐ-CP, trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế cần đáp ứng các điều kiện sau:

1. Đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền:

a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;

b) Đáp ứng điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định tại thị trường phát hành;

c) Phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 19 Nghị định này;

d) Đáp ứng quy định về quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp;

đ) Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:

a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện phát hành quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật;

c) Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu tháng”

Phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế

Đối với việc phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, Điều 19, Nghị định 163 quy định như sau:

  • Đối với công ty cổ phần, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu thực hiện theo Điều lệ của công ty. Trường hợp Điều lệ của công ty không quy định khác thì Hội đồng quản trị có quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất theo quy định tại khoản 4 Điều 127 Luật doanh nghiệp. Riêng đối với phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, phương án phát hành trái phiếu kèm theo chứng quyền phải được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án phát hành trái phiếu là Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo Điều lệ của công ty.
  • Đối với doanh nghiệp nhà nước, ngoài thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều này, phương án phát hành trái phiếu phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận theo quy định của pháp luật về việc huy động vốn nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước.

Tổ chức phát hành trái phiếu

Căn cứ theo Điều 20, Nghị định 163, tổ chức phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được thực hiện như sau:

  • Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện công bố thông tin trước phát hành và công bố thông tin kết quả phát hành theo quy định tại Điều 27 và Điều 28 Nghị định này.
  • Quy trình, thủ tục tổ chức phát hành trái phiếu thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

Có nên đầu tư trái phiếu quốc tế không?

4

Nhờ sở hữu một số đặc điểm nhất định, trái phiếu quốc tế là kênh huy động vốn thu hút nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên việc có nên đầu tư vào trái phiếu quốc tế hay không vẫn khiến không ít người phân vân.

Có thể thấy, ưu điểm của trái phiếu quốc tế là khả năng huy động vốn lớn, thời gian thanh toán dài. Nhưng tất cả những điều này đều phụ thuộc vào tình hình thực tế của nhà phát hành trái phiếu và thể hiện rõ ở hệ số tín nhiệm của nhà phát hành và bản cáo bạch…

Ngoài ra, khi đầu tư vào trái phiếu quốc tế, nhà đầu tư có thể gặp phải một số rủi ro sau đây:

  • Rủi ro về lãi suất: Nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro lãi suất. Khi lãi suất tăng, giá thị trường hay giá trị bán lại của trái phiếu sẽ giảm. Chẳng hạn một nhà đầu tư sở hữu trái phiếu 10 năm chỉ trả 4% khi lãi suất đã tăng lên 5%. Trong trường hợp này, rất ít nhà đầu tư muốn mua trái phiếu này trừ khi có khoản giảm giá để bù đắp chênh lệch lợi nhuận so với lãi suất.
  • Rủi ro lạm phát: Khi mua trái phiếu với lãi suất định sẵn thì giá trị thực của trái phiếu được xác định bằng cách trừ mức lạm phát từ lợi suất. Chẳng hạn một nhà đầu tư mua một trái phiếu với lãi suất 5% trong thời gian lạm phát là 2% thì lợi nhuận thực tế của nhà đầu tư chỉ là 3%.
  • Rủi ro tiền tệ: Đây là rủi ro luôn có sẵn khi bạn đầu tư trái phiếu nước ngoài. Chẳng hạn khi thu nhập từ trái phiếu mang lại 7% bằng tiền châu Âu, khi chuyển thành đô la tỉ giá hối đoái có thể làm giảm lợi suất xuống 2%.
  • Rủi ro về chính trị: Khi quyết định đầu tư trái phiếu quốc tế, các nhà đầu tư nên xem xét mức độ ổn định của chính phủ phát hành trái phiếu cũng như các cơ sở pháp lý liên quan đến việc phát hành trái phiếu, cách thức hệ thống pháp luật, các yếu tố khác trước khi ra quyết định đầu tư.
  • Trái phiếu quốc tế còn có thể có rủi ro trả nợ do quốc gia phát hành trái phiếu có thể không có đủ tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ. Điều này khiến nhà đầu tư có thể sẽ mất một phần hoặc toàn bộ tiền gốc và tiền lãi.

Trên thực tế trái phiếu quốc tế vẫn được nhiều nhà đầu tư đánh giá là giải pháp để có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, trái phiếu quốc tế chỉ thực sự phù hợp với những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm dày dặn, am hiểu về thị trường, có đủ kiến thức và khả năng để đầu tư. Còn những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, cách tốt nhất là cân nhắc đầu tư vào loại trái phiếu khác để có thể khai thác lợi nhuận tốt hơn.

Khái quát thị trường trái phiếu quốc tế tại Việt Nam

5

Theo thông tin trên báo Saigondautu.vn, vài năm trở lại đây việc phát hành trái phiếu quốc tế (TPQT) là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng hướng tới. Có thể kể đến như:

  • Ngân hàng SHB: Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của SHB, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành TPQT với tổng giá trị phát hành là 500 triệu USD kỳ hạn từ 3 – 5 năm theo chương trình Euro Medium Term Note và kế hoạch niêm yết TPQT tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore sau khi hoàn tất phát hành. Theo kế hoạch dự kiến, đợt đầu tiên SHB sẽ phát hành 300 triệu USD trái phiếu với kỳ hạn 3-5 năm theo 2 loại hình TPQT cao cấp (không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm chứng quyền) và TPQT tăng vốn cấp 2 (được mua lại sau 5 năm 1 ngày, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền, không chuyển đổi).
  • SeABank: Từ năm 2019 ngân hàng SeABank đã lấy ý kiến cổ đông phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, kỳ hạn dự kiến tối đa là 5 năm.
  • TPBank trong năm 2019 cũng đã lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành 200 triệu USD TPQT vốn cấp 2.
  • VPBank trong năm 2019 – 2020 cũng đưa ra mục tiêu phát hành tới hơn 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế
  • Ngân hàng ACB và HDbank trong năm 2020 cũng lên kế hoạch phát hành TPQT.

Có thể thấy hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế đã được đánh giá là nên được khuyến khích để đa dạng kênh huy động vốn. Nói về vấn đề này, chia sẻ trên báo Saigondautu, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, các ngân hàng đang có xu hướng phát hành TPQT trong vài năm gần đây là vì lãi suất TPQT thấp hơn nhiều so với phát hành trái phiếu tại Việt Nam. Kênh này sẽ giúp ngân hàng đa dạng nguồn huy động vốn, hạn chế phụ thuộc nguồn huy động ngoại tệ trong nước, bổ sung nguồn ngoại tệ cho hoạt động kinh doanh.

Trái phiếu quốc tế là gì? Có nên đầu tư vào trái phiếu quốc tế?

Phát hành trái phiếu quốc tế là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu hoạt động phát hành thành công, các định chế tài chính trong nước cũng sẽ tăng uy tín, thương hiệu trên thị trường toàn cầu và đưa Việt Nam hội nhập vào hệ thống tài chính thế giới một cách sâu rộng hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng nhận định việc phát hành trái phiếu quốc tế là cơ hội để các nhà băng và các tổ chức kinh tế trong nước tìm kiếm nguồn vốn rẻ hơn từ quốc tế, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.

Tuy nhiên, huy động TPQT vẫn tồn tại một số rủi ro nhất định. Theo đó, vốn rẻ dồi dào trên thị trường quốc tế, triển vọng được nâng bậc, nhưng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng như của các ngân hàng Việt Nam hiện vẫn nằm ở hạn mức chưa được tín nhiệm đầu tư. Trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn vào xếp hạng tín nhiệm để đánh giá mức độ rủi ro, từ đó đưa ra quyết định về lãi suất hoặc thậm chí là quyết định có đầu tư hay không.

Bởi vậy các chuyên gia cho rằng. Việt Nam và nhiều ngân hàng được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng cũng chỉ đồng nghĩa với việc có thể huy động vốn nhiều hơn, nhưng chi phí vay nợ (lãi suất) sẽ không thay đổi đáng kể so với trước đây dù tiền rẻ dồi dào trên thế giới. Chưa kể chi phí phát hành TPQT thường rất cao.

Thực tế việc phát hành TPQT vẫn là một hành trình dài. Có thể thấy năm 2019 dù nhiều ngân hàng đặt mục tiêu phát hành TPQT nhưng chỉ có VPBank phát hành thành công với tổng giá trị 300 triệu USD, lãi suất 6,25%/năm, kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng SeABank đã dời kế hoạch phát hành 400 triệu USD TPQT sang năm 2020 thay vì năm 2019 nhưng chưa thực hiện. Còn trong năm 2020, HDBank là ngân hàng trong nước duy nhất phát hành thành công 160 triệu USD (tương đương 3.680 tỷ đồng) trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế để bổ sung vốn cấp 2 theo hình thức chào bán riêng lẻ, với kỳ hạn 5 năm 1 ngày, lãi suất cố định là 4,5%/năm.

Thông tin trên báo Vietnamplus.vn cho hay, mới đây nhất trong tháng 4/2021 tại Hội thảo Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cùng nhóm cộng sự đã đề xuất ý tưởng phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế nhằm huy động vốn cho các dự án đầu tư kinh tế – xã hội giai đoạn tới.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, với quy mô GDP cuối năm 2020 (sau điều chỉnh) là 343,6 tỷ USD, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới sẽ là rất lớn. Nếu chỉ dựa vào thị trường vốn trong nước sẽ rất khó đáp ứng được nhu cầu vốn lớn cho đầu tư hạ tầng kinh tế, vốn dĩ đòi hỏi nguồn vốn trung và dài hạn.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho hay, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế có một số yếu tố hỗ trợ tích cực. Đầu tiên là ngưỡng trần nợ công (bao gồm nợ Chính phủ và tổ chức quốc tế) đang thấp hơn so với các tiêu chí mà các tổ chức quốc tế đánh giá. Trên thị trường tài chính quốc tế, Việt Nam được đánh giá là đối tác uy tín, thanh toán nợ đúng hạn. Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất hiện đang được giữ ở mức thấp trên các thị trường vốn quốc tế.

Những điều này sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ Việt Nam phát hành được trái phiếu với mức lãi suất danh nghĩa thấp hơn, tiết kiệm chi phí và giảm áp lực trả nợ.

Như vậy trái phiếu quốc tế là một kênh đầu tư được đánh giá là huy động vốn khả quan nhưng tùy vào từng thời điểm, loại trái phiếu này vẫn sẽ có những khía cạnh hai mặt cần chú ý. Hy vọng qua bài viết trên đây các nhà đầu tư đã hiểu về trái quốc quốc tế, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn để thu về lợi nhuận.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *