Ưu nhược điểm của chứng khoán phái sinh như thế nào là thắc mắc chung của rất nhiều người trước khi lựa chọn đầu tư vào thị trường này. Trong bài viết dưới đây, BSC sẽ giới thiệu các ưu và nhược điểm của chứng khoán phái sinh để các nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn. Mời mọi người tham khảo nhé!
1. Giới thiệu chứng khoán phái sinh
Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại hoặc các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất…
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sản phẩm đầu tiên của chứng khoán phái sinh được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, thị trường cũng có một sản phẩm khác là trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm).
Các sản phẩm này thường được lựa chọn trước tiên bởi tính chất đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và mang tính đại diện cao. Bên cạnh đó, nguyên tắc khi giao dịch với hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch trên thị trường cơ sở.
2. Ưu nhược điểm của chứng khoán phái sinh
2.1. Ưu điểm chứng khoán phái sinh
Tính thanh khoản cao
Về cơ bản, chứng khoán phái sinh có các ưu điểm hỗ trợ cho thanh khoản hơn so với thị trường cơ sở. Cụ thể:
- Chứng khoán phái sinh cho phép nhà đầu tư tận dụng các lợi thế về đòn bẩy.
- Giao dịch – bù trừ nhanh chóng.
- Không giới hạn việc nắm giữ cổ phiếu.
- Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể liên tục dự đoán xu thế thị trường.
Số lượng phát hành/niêm yết
Khác với thị trường cơ sở, chứng khoán phái sinh sẽ không giới hạn về số lượng phát hành/niêm yết. Chứng khoán phái sinh cũng có giới hạn vị thế:
- Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp: 20.000 vị thế/tài khoản.
- Nhà đầu tư tổ chức: 10.000 vị thế.
- Nhà đầu tư cá nhân: 5.000 vị thế.
Bán khống chứng khoán
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể bán khống chứng khoán phái sinh. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cơ sở sẽ có giới hạn. Do chứng khoán cơ sở phụ thuộc vào tổ chức phát hành và bị cấm hoặc hạn chế tại một số thị trường.
Phòng ngừa rủi ro biến động giá
Hợp đồng tương lai được sử dụng để phòng ngừa rủi ro đối với vị thế của một tài sản cơ sở. Từ đó, nhà đầu tư có thể giảm được một số thiệt hại hoặc thua lỗ khi tài sản với vị thế cơ sở của mình trên đà biến động giá bất lợi.
Đầu cơ
Đầu cơ là một ưu điểm nổi trội của chứng khoán phái sinh. Thị trường có tính 2 chiều. Do đó, nhà đầu tư đều có thể kiếm được lợi nhuận cả khi thị trường đi lên hoặc đi xuống nếu như dự đoán đúng được xu hướng của nó.
Giao dịch linh hoạt
Cách thức giao dịch của chứng khoán phái sinh cũng tương tự như thị trường cơ sở. Tuy nhiên nó có sự linh hoạt cao hơn. Cụ thể, với tính linh hoạt, các nhà đầu tư có thể bán khống hoặc giao dịch T+0 chốt lãi/ lỗ ngay trong ngày.
Lợi thế đòn bẩy tài chính
Lợi thế đòn bẩy tài chính là công cụ được sử dụng để giúp nhà đầu tư sở hữu được nhiều cổ phiếu hơn với mức giá thấp. Đặc biệt, giao dịch CKPS về lúc ban đầu yêu cầu vốn đầu tư không cao, thấp hơn rất nhiều so với việc đầu tư trong thị trường chứng khoán cơ sở. Ví dụ: Nếu bạn phải mua cổ phiếu A với giá 100$/ 1 cổ phiếu thì với đòn bẩy 1:50, bạn có thể sở hữu cổ phiếu A chỉ với 2$/ 1 cổ phiếu.
2.2. Nhược điểm chứng khoán phái sinh
Sau khi đã nói qua về các ưu điểm chứng khoán phái sinh thì mọi người hãy cùng điểm đến một số nhược điểm, hạn chế đáng lưu ý của thị trường này ngay dưới đây.
Rủi ro trong chiến lược đầu cơ
Trong trường hợp thay đổi về giá tài sản cơ sở trên thị trường chứng khoán không đúng với dự đoán làm căn cứ ban đầu. Lúc này thua lỗ sẽ xảy ra và với tác động của đòn bẩy, mức thua lỗ tính theo phần trăm số vốn đầu tư ban đầu sẽ lớn hơn rất nhiều.
Yêu cầu ký quỹ bổ sung
Cơ chế thanh toán của hợp đồng tương lai (sản phẩm đầu tiên của chứng khoán phái sinh) là thanh toán hàng ngày. Các khoản lỗ, lãi phát sinh từ hợp đồng tương lai được hiện thực hóa hàng ngày và được phản ánh cụ thể ngay trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ ngay khi số tiền trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư xuống bằng hoặc thấp hơn so với mức ký quỹ duy trì. Do đó, một trong những yêu cầu khi tham gia hợp đồng tương lai là nhà đầu tư phải có năng lực nhất định về tài chính. Nếu không thực hiện ký quỹ bổ sung kịp thời khi có yêu cầu thì vị thế của nhà đầu tư sẽ đóng lại, gây thua lỗ, thậm chí có thể dẫn đến phá sản.
Trên đây, công ty chứng khoán BSC đã giới thiệu đến các nhà đầu những ưu nhược điểm của chứng khoán phái sinh. Hy vọng từ những thông tin trên, các nhà đầu tư CKPS đã có thêm kiến thức để tham gia vào thị trường tiềm năng này.