Sự ra đời của thị trường chứng khoán Mỹ

Ở thời điệm hiện tại, thị trường chứng khoán Mỹ là thị trường có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nếu xét về “tuổi tác”, thì Mỹ vẫn là người em sinh sau đẻ muộn. Phải tới năm 1792, tức là gần 200 năm kể từ ngày thị trường chứng khoán đầu tiên thành lập tại Amsterdam năm 1611, Mỹ mới bắt đầu gia nhập thị trường chứng khoán bằng sự kiện 24 thương gia hàng đầu của New York gặp và ký kết Thỏa thuận Buttonwood để giao dịch (mua, bán) cổ phiếu, trái phiếu, trở thành tiền đề thành lập sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) như ngày nay.

Sự ra đời của thị trường chứng khoán Mỹ
Sự ra đời của thị trường chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ là gì

Chứng khoán Mỹ được hiểu cơ bản chính là các loại chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên các sàn chứng khoán tại Mỹ. Hiện nay, thị trường này có hơn 10 nghìn công ty niêm yết và sở hữu vốn hóa chứng khoán Mỹ với hơn 30 nghìn tỷ USD. Trong đó có rất nhiều cổ phiếu của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Apple, Facebook, Google, Intel, Dell,…

Mục đích niêm yết chứng khoán trên thị trường đó chính là để nhằm mục đích kêu gọi nguồn vốn lớn để từ đó sẽ phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển doanh nghiệp.

 

Các sàn chứng khoán lớn nhất tại Mỹ

Sở giao dịch chứng khoán New York

Sở giao dịch chứng khoán NYSE ra đời năm 1792 trên phố Wall, quản lý tới hơn 80% các giao dịch chứng khoán của Mỹ. Trong khi Sở giao dịch chứng khoán London bị ràng buộc bởi luật hạn chế cổ phiếu, thì NYSE đã giao dịch cổ phiếu ngay từ ngày đầu thành lập. Sàn NYSE hiện nay là sàn chứng khoán lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường và đứng thứ hai về số lượng công ty niêm yết. Những ngày mới thành lập, sàn chứng khoán New York chỉ niêm yết 5 công ty. Tuy nhiên, hiện nay sàn NYSE đã niêm yết tới hơn 2600 công ty với tổng giá trị vốn hoá thị trường lên tới hơn 30 nghìn tỷ đô la Mỹ (tính đến năm 2018).

Sở giao dịch chứng khoán NASDAQ

Ngay từ khi thành lập, sở giao dịch NASDAQ đã hoạt động theo một hình thức khác với các sàn giao dịch thông thường. Đây là sở giao dịch chứng khoán điện tử đầu tiên trên thế giới. Thay vì để người bán và người mua nhờ người môi giới xác định giá cổ phiếu, NASDAQ dựng một tấm bảng điện tử lớn niêm yết giá và sự biến động theo thời gian thực.

Sau đó, sàn NASDAQ phát triển thành hệ thống giao dịch tự động cho phép mọi người tự động mua bán cổ phiếu theo các điều kiện định trước. Đây cũng là sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên cho phép đặt lệnh tự động theo quy mô nhỏ (SOES) từ 1000 cổ phiếu trở xuống. Các chức năng giao dịch tự động của thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nay phần lớn đều bắt nguồn từ NASDAQ.

Hiện nay, NASDAQ là bộ phận lớn nhất của thị trường thứ cấp Mỹ xét về số lượng chứng khoán giao dịch trên thị trường, lớn hơn rất nhiều so với số lượng chứng khoán giao dịch trên thị trường tập trung NYSE. Đa số các mã chứng khoán giao dịch trên thị trường này là của các công ty thuộc ngành công nghệ thông tin và các công ty vừa và nhỏ.

Ngoài hai sàn giao dịch chứng khoán nổi tiếng là NYSE và NASDAQ, các nhà đầu tư cũng có thể mua và bán cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Mỹ hoặc các sàn giao dịch ở các khu vực khác như Boston, Philadelphia và San Francisco.

Các cuộc đại suy thoái trên thị trường chứng khoán Mỹ

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng không thể nằm ngoài những cuộc suy thoái với những chu kì biến động lớn kéo dài đến vài năm. Sau đây là một số chu kỳ lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ

Thập kỉ “Những năm 20 bùng nổ”: 

Các nhà đầu cơ đã sử dụng đòn bẩy của thị trường, làm tăng giá cổ phiếu liên tục và dẫn đến sự sụp đổ của thị trường vào năm 1929. Mất rất nhiều năm sau đấy, giá cổ phiếu mới có thể phục hồi. Đây được coi là vụ sụp đổ thị trường chứng khoán tàn khốc nhất trong lịch sử Mỹ khi xem xét toàn bộ phạm vi tác động và hậu quả kéo dài.

“Thứ hai đen tối”: 

Đây là tên gọi được dùng để mô tả sự sụp đổ đột ngột và nghiêm trọng của thị trường chứng khoán vào ngày 19/10 /1987. Chỉ số Trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA), một chỉ số đo lường hoạt động của thị trường chứng khoán Mỹ, đã giảm hơn 22% chỉ trong 1 ngày. Năm 1987, các đợt mua lại công ty khiến thị trường tăng giá. Sau đó, dù không có một sự kiện hay tin tức xấu quá lớn nào nhưng trong một ngày, các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo, khiến chỉ số Dow Jones giảm 22% chỉ trong một ngày.

“Bong bóng Dotcom”: 

Vào cuối những năm 1990, các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu công nghệ trước sự bùng nổ của Internet. Họ hào hứng đầu tư vào một công ty dotcom bất kỳ, ở bất cứ mức định giá nào, chỉ cần trong tên công ty có những tiền tố liên quan đến Internet (như “e-” hay “i-“) hoặc một hậu tố “.com”. Vốn mạo hiểm được huy động rất dễ dàng. Việc này làm dấy lên làn sóng đầu cơ và khuyến khích đầu tư vào công nghệ. Tuy nhiên, không phải công ty công nghệ nào cũng có lãi và phát triển, gây ra tình trạng bong bóng vỡ trên thị trường chứng khoán Mỹ cho đến năm 2002.

“Khủng hoảng tài chính phố Wall”: 

Đầu những năm 2000-2008, Thị trường nhà đất ở Mỹ phát triển nhanh chóng. Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay khiến người dânđi vay ồ ạt nhằm mục đích đầu cơ dẫn tới hình thành bong bóng nhà ở.Thị trường chứng khoán được hưởng lợi từ đó và tăng nhiều năm. Và sau đó, thị trường bất động sản không thể tránh khỏi việc bị vỡ bong bóng, cuộc khủng hoảng lan ra nhiều lĩnh vực tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán), trở thành nguồn gốc trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Nguồn: Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *