Phân tích phân kỳ hội tụ trung bình động (chỉ báo MACD)

Chỉ báo Phân kỳ hội tụ trung bình động (MACD) là gì?

Phân kỳ hội tụ trung bình động (MACD) là một chỉ báo động lượng theo dõi xu hướng cho thấy mối quan hệ giữa hai đường trung bình động của giá chứng khoán. MACD được tính bằng cách trừ đường trung bình động hàm mũ (EMA) 26 kỳ cho đường EMA 12 kỳ.

Kết quả của phép tính đó là đường MACD. Đường EMA chín ngày của MACD được gọi là “đường tín hiệu”, được vẽ lên trên đường MACD, có thể đóng vai trò như một công cụ kích hoạt các tín hiệu mua và bán. Các trader có thể mua chứng khoán khi MACD vượt lên trên đường tín hiệu và bán chứng khoán khi MACD cắt xuống dưới đường tín hiệu. Các chỉ báo phân kỳ hội tụ trung bình động (MACD) có thể được diễn giải theo nhiều cách, nhưng các phương pháp phổ biến nhất là giao cắt, phân kỳ và tăng/giảm nhanh.

phan-ky-hoi-tu-trung-binh-dong-chi-bao-macd-reviewsantot

Công thức MACD

MACD = EMA 12 kỳ – EMA 26 kỳ

Chỉ báo MACD được tính bằng cách trừ đường EMA dài hạn (26 kỳ) cho EMA ngắn hạn (12 kỳ). Đường trung bình động hàm mũ (EMA) là một loại đường trung bình động (MA) đặt trọng số lớn hơn cho các điểm dữ liệu gần nhất.

Đường trung bình động hàm mũ còn được gọi là đường trung bình động gia quyền theo cấp số nhân. Đường trung bình động gia quyền theo cấp số nhân phản ứng với biến động giá gần đây nhạy hơn so với đường trung bình động đơn giản (SMA), vì SMA áp dụng trọng số đều cho tất cả các điểm dữ liệu quan sát trong cùng giai đoạn.

Tìm hiểu MACD

Chỉ báo MACD có giá trị dương (được biểu thị bằng đường màu xanh lam trên biểu đồ bên dưới) khi đường EMA 12 kỳ (được biểu thị bằng đường màu đỏ trên biểu đồ giá) ở bên trên đường EMA 26 kỳ (đường màu xanh lam trong biểu đồ giá) và có giá trị âm khi đường EMA 12 kỳ nằm dưới đường EMA 26 kỳ. Chỉ báo MACD càng cách xa ở bên trên hoặc bên dưới đường chuẩn thì càng cho thấy khoảng cách giữa hai đường EMA đang tăng lên.

Biểu đồ sau đây cho thấy sự tương quan giữa hai đường EMA được vẽ trên biểu đồ giá ứng với những lúc đường MACD (màu xanh lam) giao cắt lên trên hoặc xuống dưới đường chuẩn (baseline, đường gạch ngang) trong khung chỉ báo bên dưới biểu đồ giá.

Chỉ báo MACD thường được hiển thị kèm với biểu đồ phân phối tần suất, hay histogram (xem biểu đồ bên dưới), có tác dụng biểu thị khoảng cách giữa MACD và đường tín hiệu. Nếu chỉ báo MACD nằm trên đường tín hiệu, biểu đồ phân phối tần suất sẽ nằm trên đường chuẩn của MACD. Nếu chỉ báo MACD nằm dưới đường tín hiệu, biểu đồ phân phối tần suất sẽ nằm dưới đường chuẩn của MACD. Các trader thường sử dụng biểu đồ MACD để xác định khi nào động lượng tăng hoặc giảm mạnh.

Chỉ báo MACD so với Chỉ báo Sức mạnh Tương đối

Chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) có tác dụng báo hiệu thị trường đang quá mua hay quá bán ứng theo các mức giá gần đây. RSI là một chỉ báo dao động, có chức năng tính toán mức tăng và giảm giá trung bình trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian mặc định là 14 kỳ với các giá trị được giới hạn từ 0 đến 100.

Chỉ báo MACD đo lường mối quan hệ giữa hai đường EMA, trong khi RSI đo lường mức thay đổi giá tương ứng với các mức giá cao nhất và thấp nhất gần đây. Hai chỉ báo này thường được sử dụng kết hợp với nhau để giúp cho các nhà phân tích phác họa một bức tranh kỹ thuật trọn vẹn hơn về thị trường.

Cả hai chỉ báo này đều đo lường động lượng của thị trường, nhưng vì chúng đo lường các yếu tố khác nhau nên đôi khi chúng lại đưa ra các tín hiệu trái ngược nhau. Ví dụ, chỉ báo RSI có thể sẽ có lúc hiển thị giá trị trên 70 trong một khoảng thời gian kéo dài, cho thấy thị trường đang bị thu hút quá mức về phía phe mua so với giá gần đây, trong khi MACD cho thấy thị trường vẫn đang gia tăng động lực mua. Một trong hai chỉ báo này có thể báo hiệu khả năng thay đổi xu hướng sắp tới bằng cách phát ra tín hiệu phân kỳ so với giá (giá tiếp tục tăng cao hơn trong khi chỉ báo giảm xuống hoặc ngược lại).

Hạn chế của chỉ báo MACD

Một trong những vấn đề lớn nhất của tín hiệu phân kỳ là tín hiệu này thường có thể báo hiệu rằng thị trường có thể sắp đảo chiều nhưng sau đó thị trường không hề đảo chiều thực sự mà đây chỉ là tín hiệu giả. Còn một vấn đề nữa là tín hiệu phân kỳ không dự báo chính xác tất cả các điểm đảo chiều. Nói cách khác, chỉ báo này quá nhiều lần dự đoán đảo chiều giả và không có bao nhiêu lần đảo chiều thật.

Tín hiệu phân kỳ “giả” thường xuất hiện khi giá của tài sản đi ngang, chẳng hạn như trong một biên độ nhất định hoặc trong một mô hình tam giác dịch chuyển theo xu hướng. Khi động lượng hạ nhiệt, tức là giá chuyển động ngang hoặc chuyển động có xu hướng chậm thì điều đó sẽ khiến MACD thoái lui khỏi các điểm cực trị trước đó và bị hút về phía đường 0 ngay cả khi thị trường không hề đảo chiều thực sự.

Ví dụ về trường hợp giao cắt MACD

Như minh họa trong biểu đồ sau, khi MACD giảm xuống dưới đường tín hiệu thì đó là một tín hiệu giảm giá gợi ý rằng có thể đã đến lúc nhà đầu tư nên bán. Ngược lại, khi MACD tăng lên trên đường tín hiệu, chỉ báo này phát ra tín hiệu tăng giá, mà điều này cho thấy giá của tài sản có khả năng đi theo đà tăng. Có một số trader sẽ cố chờ đợi cho đến khi điểm giao cắt được xác nhận rõ ràng phía trên đường tín hiệu trước khi vào lệnh giao dịch để giảm nguy cơ bị dính bẫy tín hiệu “giả” và vào lệnh quá sớm.

Những điểm giao cắt sẽ đáng tin cậy hơn khi chúng phát tín hiệu thuận theo xu hướng thị trường chung tại thời điểm đang xét. Nếu chỉ báo MACD vượt lên trên đường tín hiệu sau một đợt điều chỉnh chóng vánh trong một xu hướng tăng dài hạn, thì tín hiệu đó đủ điều kiện để xác nhận tăng giá.

Ví dụ về trường hợp phân kỳ

Khi chỉ báo MACD hình thành các mức đỉnh hoặc đáy khác biệt so với mức đỉnh hoặc đáy tương ứng trên biểu đồ giá, hiện tượng này được gọi là phân kỳ. Hiện tượng phân kỳ tăng là khi chỉ báo MACD hình thành hai đáy tăng dần tương ứng với hai đáy giảm dần trên biểu đồ giá. Đây là một tín hiệu tăng giá chuẩn xác khi xu hướng dài hạn vẫn đi theo chiều tăng.

Có một số trader sẽ vẫn cố “bắt” tín hiệu phân kỳ tăng ngay cả khi xu hướng dài hạn là theo chiều đi xuống vì chúng có thể báo hiệu khả năng thay đổi xu hướng, mặc dù vậy kỹ thuật này có độ tin cậy kém hơn.

Khi chỉ báo MACD hình thành một chuỗi hai mức đỉnh giảm dần, tương ứng với hai mức đỉnh tăng dần trên biểu đồ giá, thì đây chính là hiện tượng phân kỳ giảm giá. Tín hiệu phân kỳ giảm nếu xuất hiện trong một xu hướng giảm giá dài hạn thì được coi là tín hiệu xác nhận rằng xu hướng này có khả năng tiếp tục kéo dài.

Có một số trader sẽ vẫn cố “bắt” tín hiệu phân kỳ giảm ngay cả khi xu hướng dài hạn là theo chiều đi lên vì chúng có thể báo hiệu rằng xu hướng đang bị suy yếu. Tuy nhiên, độ tin cậy của chúng trong trường hợp này không thể sánh bằng so với khi phân kỳ giảm trong xu hướng giảm.

Ví dụ về tín hiệu Tăng/Giảm nhanh

Khi chỉ báo MACD tăng hoặc giảm nhanh chóng (đường trung bình động ngắn hạn bứt mạnh ra khỏi đường trung bình động dài hạn), thì đó là tín hiệu cho thấy tài sản chứng khoán đang bị quá mua hoặc quá bán và sẽ sớm trở lại mức bình thường. Các trader thường sẽ kết hợp tín hiệu phân tích này với chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) hoặc các chỉ báo kỹ thuật khác để xác minh tình trạng quá mua hoặc quá bán.

Việc các nhà đầu tư sử dụng biểu đồ phân phối tần suất MACD giống như cách họ sử dụng chỉ báo MACD cũng không có gì là lạ. Các điểm giao cắt, phân kỳ và tăng/giảm nhanh cũng có thể được xác định trên biểu đồ phân phối tần suất. Bạn sẽ cần có một ít kinh nghiệm trước khi có thể quyết định tín hiệu nào là tốt nhất trong từng tình huống vì các tín hiệu trên MACD và trên biểu đồ phân phối tần suất sẽ có sự khác biệt về thời gian.

Các trader sử dụng chỉ báo Phân kỳ hội tụ trung bình động (MACD) như thế nào?

Giới trader sử dụng chỉ báo MACD để xác định sự thay đổi về hướng hoặc mức độ mạnh yếu trong xu hướng giá của cổ phiếu. Chỉ báo MACD thoạt nhìn có vẻ phức tạp, vì chỉ báo này được phát triển dựa trên các khái niệm thống kê như đường trung bình động hàm mũ (EMA). Nhưng tựu trung, chỉ báo MACD giúp các trader phát hiện khi nào động lượng giá cổ phiếu gần đây có thể báo hiệu khả năng thay đổi trong xu hướng cơ bản. Điều này có thể giúp các trader quyết định khi nào nên vào lệnh, thêm lệnh vào hoặc thoát lệnh giao dịch.

MACD là Chỉ báo Trước (leading indicator) hay Chỉ báo Trễ (lagging indicator)?

Chỉ báo MACD là một loại chỉ báo trễ. Dù sao đi nữa, tất cả dữ liệu được sử dụng trong MACD đều dựa trên hành động giá cổ phiếu trong quá khứ. Vì chỉ báo này được tính toán dựa trên dữ liệu lịch sử, nên chắc chắc MACD phải di chuyển “trễ” hơn so với giá. Tuy nhiên, có một số trader cũng sử dụng biểu đồ phân phối tần suất MACD để dự đoán thời điểm xu hướng thị trường thay đổi. Đối với những trader này, chỉ báo MACD có thể được xem như một chỉ báo trước về khả năng thay đổi xu hướng trong tương lai.

Phân kỳ dương MACD là gì?

Phân kỳ dương MACD là trường hợp mà MACD không chạm đến mức đáy mới, mặc dù trên thực tế, giá cổ phiếu đã chạm đến mức đáy mới. Đây được coi là một tín hiệu tăng giá, từ đó mới sinh ra thuật ngữ “phân kỳ dương”. Nếu kịch bản ngược lại xảy ra, tức là giá cổ phiếu lập đỉnh mới, nhưng MACD không thể hiện được điều đó thì đây sẽ được coi là một chỉ báo giảm và được gọi là phân kỳ âm.

  • Kiến thức giao dịch khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *