Chịu áp lực từ đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, giá vàng giảm trong phiên đầu tuần. Ở chiều ngược lại, trên thị trường nhiên liệu, giá dầu tăng sau khi Trung Quốc phát đi tín hiệu phục hồi nhu cầu trở lại.
Giá vàng giảm do áp lực từ đồng USD
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/6), chịu áp lực bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Trọng tâm thị trường chuyển sang dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này khi báo cáo lạm phát có thể củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) mạnh mẽ tăng lãi suất.
Khép phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.841,29 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn giảm 0,4%, giao dịch ở mức 1.843,70 USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng cao hơn trong bối cảnh báo cáo lạm phát được công bố vào ngày 10/6 có khả năng cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao. Đồng USD cũng mạnh lên, khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với người mua bằng những đồng tiền khác.
Niềm tin chung rằng lạm phát đang giảm tốc và sẽ tiếp tục giảm tốc, cùng với việc định giá chính sách của FED, sẽ mang lại sự ổn định nhất định cho giá vàng
Giá vàng dường như đang trên đà thử mức đáy của năm (ở 1.779 USD) khi nó giao dịch dưới đường trung bình động đơn giản (SMA) 200 ngày (ở 1.842 USD) lần đầu tiên kể từ tháng 2. Nhưng đà tăng từ mức đáy tháng 5 (ở 1.787 USD) đã đẩy kim loại quý này trở lại phía trên đường trung bình động (MA) khi Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) có xu hướng đi lên.
Việc không bảo vệ được mức đáy của tháng (ở 1.829 USD) cùng với việc giá phá vỡ/đóng cửa bên dưới vùng 1.825 USD – 1.829 USD (mức mở rộng 23,6% – mức thoái lui 38,2%) có thể đẩy giá vàng về phía ngưỡng 1.816 USD (mức mở rộng 61,8%). Nếu giá phá vỡ xuống dưới mức đáy tháng 5 (là 1.787 USD) sẽ đưa mức đáy của năm (1.779 USD) trở lại mục tiêu.
Giá dầu tăng do nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc
Trong phiên giao dịch ngày 7 tháng 6, giá dầu tiến xa hơn do nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi khi nước này từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng sản lượng của các nhà sản xuất OPEC+ sẽ giảm bớt tình trạng nguồn cung thắt chặt.
Dầu thô Brent giao sau tăng 19 xu, tương đương 0,2% lên 119,70 USD thùng lúc 07h50 giờ Việt Nam. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 25 xu, tương đương 0,2% lên 118,75 USD/thùng. Điểm chuẩn của hợp đồng dầu WTI đạt mức cao nhất trong ba tháng là 120,99 USD.
Việc Trung Quốc mở cửa đi lại sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu trong thời gian tới. Trên thực tế, 2 thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải đã hoạt động bình thường trở lại sau 2 tháng phong toả.
Trong khi các tổ chức khác đều đang đau đầu tăng cung, giảm giá dầu thì nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Xê Út đã tăng giá bán chính thức tháng 7 (OSP) đối với loại dầu thô nhẹ hàng đầu của Ả Rập sang châu Á thêm 2,1 USD so với tháng 6 lên mức cao hơn 6,5 USD so với báo giá của Oman/Dubai.
Động thái OPEC+ tăng sản xuất trong tháng 7 và tháng 8 thêm 648.000 thùng/ngày, hay hơn 50% so với kế hoạch trước đó, đã được nhiều quốc gia hoan nghênh.
Các nhà phân tích của Citi cho biết dòng chảy được điều chỉnh lại sang châu Á đồng nghĩa với việc sản xuất và xuất khẩu của Nga sẽ không bị giảm quá nhiều, chỉ loanh quanh trong khoảng từ 1 triệu đến 1,5 triệu thùng/ngày. Barclays dự đoán sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022.
Năm ngoái, Nga, chiếm 14% nguồn cung dầu toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang tạo ra một khoảng trống tương đối trên thị trường hiện nay. Nga đã ngừng cung cấp sản lượng dầu gần 1 triệu thùng/ngày vào tháng 4 và con số này có thể đạt khoảng 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022.
IEA dự đoán rằng sản lượng dầu toàn cầu, không tính phần của Nga, sẽ tăng hơn 3 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay để có thể cân bằng giữa các đòn trừng phạt.
>> Bài viết có thể bạn quan tâm: Tin nóng 07/06/2022 – Lợi suất tăng gây áp lực trở lại lên vàng