Chứng khoán Mỹ, châu Âu đỏ sàn và nỗi lo vẫn từ Fed

Những lo ngại từ Fed ngày càng rõ rệt rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lãi suất để giảm tốc độ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát đã tác động mạnh mẽ tới thị trường Phố Wall và châu Âu trong phiên ngày 8/6, “xóa sạch” mức tăng trong phiên trước đó.

Chứng khoán Mỹ, Âu giảm điểm

Chứng khoán Mỹ, sau khi tăng điểm trong phiên ngày 7/6 bất chấp dự báo ảm đạm từ Ngân hàng Thế giới (WB), đã trở lại sắc đỏ trong bối cảnh giá dầu tăng vọt và Nhà Trắng cảnh báo về một báo cáo đáng thất vọng khác về giá tiêu dùng vào cuối tuần này.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% (269 điểm) xuống 32.910,90 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,1% (44,9 điểm) xuống 4.115,77 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 0,7% (88,9 điểm) xuống 12.086,27 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu cũng “nối gót” giảm trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ trong cuộc họp ngày 9/6. Chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,1% (5,9 điểm) xuống 7.593 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,8% (110,6 điểm) xuống 14.445,99 điểm, còn chỉ số CAC 40 giảm 0,8% (51,7 điểm) xuống 6.448,63 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 hạ 0,5% (17,8 điểm) xuống còn 3.788,93 điểm.

Theo Eurostat

Tổng sản phẩm quốc nội của khu vực đồng euro trong quý đầu tiên năm 2022 đã tăng 0,6% so với quý thứ tư năm 2021. Nền kinh tế của Eurozone đã tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ khép lại chương trình kích thích kéo dài nhiều năm qua vào ngày 9/6 và phát đi tín hiệu về một chuỗi nâng lãi suất với hy vọng ngăn chặn đà tăng giá nhanh không trở thành một “cơn lốc” tiền lương – giá cả khó phá vỡ.

Nhà phân tích Andrew Brenner của NatAllianceSecurities nhận định rằng thị trường trái phiếu chính phủ châu Âu đang rung lắc theo những dự đoán về động thái nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát của ECB trong cuộc họp quan trọng ngày 9/6.

Fed quyết tâm kiềm chế lạm phát

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay và dự kiến sẽ có thêm 2 đợt nâng với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong tháng 6 và tháng 7. Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard cho biết nếu đến tháng 9/2022 mà chưa xuất hiện việc giảm đà tăng lạm phát hàng tháng cũng như một số nhu cầu chưa bắt đầu hạ nhiệt, Fed rất có thể tổ chức một cuộc họp để tăng lãi suất cùng tốc độ nêu trên.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng. Cụ thể, lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 2,79% và kỳ hạn 10 năm tăng 3,03%. Đây là mức tăng cao nhất trong thời kỳ đại dịch đối với kỳ hạn 2 năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cao tác động đáng kể tới lợi nhuận của doanh nghiệp, khi mà nhà đầu tư phải “đau đầu” về các khoản chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu doanh nghiệp.
Ông Dennis DeBusschere, Giám đốc chiến lược thị trường của công ty nghiên cứu 22V Research, băn khoăn: “Thật sự rất khó để có thể khẳng định chắc chắn rằng nền kinh tế sẽ tiến triển theo hướng nào.” Các nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi những diễn biến mới có ảnh hưởng như thế nào và phản ứng trên thị trường ra sao, điều này đang thực sự tạo áp lực đè nặng lên thị trường cổ phiếu.

Dự kiến

Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố dữ liệu giá tiêu dùng tháng 5 trong ngày 10/6. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, tác động tới nhịp biến động lớn tiếp theo đối với lãi suất kỳ vọng và thị trường chứng khoán.
Chỉ số CPI ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 40 năm qua, trong đó giá xăng liên tiếp chạm các mốc cao kỷ lục mới mỗi ngày, do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch COVID-19.  Các chuyên gia kinh tế dự báo, chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 5 sẽ tăng khoảng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức tăng 8,3% trong tháng 4.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *