Trong tuần tới sẽ không có cuộc họp cấp ngân hàng trung ương nào nhưng sẽ có rất nhiều dữ liệu có thể khuấy đảo thị trường forex. Mở màn sẽ là các số liệu GDP của Trung Quốc với tác dụng vén màn những thiệt hại ban đầu do chính sách zero covid và phong tỏa quyết liệt của chính phủ nước này.
Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng
Sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do đợt phong tỏa gần đây. Các nhà chức trách nước này vẫn tin tưởng vào chính sách “zero covid” bằng cách cố gắng ngăn chặn đà lây lan của một loại biến thể gần như không thể ngăn cản và gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trong quá trình này.
Ít nhất đó là kịch bản được vạch ra từ các chỉ số báo trước (leading indicator). Các chỉ số PMI của Trung Quốc đều giảm xuống dưới mức 50 trong tháng 3, báo hiệu nguy cơ suy yếu hoạt động kinh tế khi nhu cầu giảm mạnh. Loạt dữ liệu sắp công bố trong thời gian tới dự kiến sẽ phản ánh bức tranh đó.
Vào ngày thứ Hai, Trung Quốc sẽ công bố số liệu thống kê GDP của quý đầu tiên cùng với doanh số bán lẻ, mức đầu tư tài sản cố định và số liệu sản xuất công nghiệp cho tháng 3. Tất cả các chỉ số trong tháng 3 dự kiến đều sẽ hãm tốc đáng kể, trong đó doanh số bán lẻ gần như đi sẽ không đổi.
Ngược lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ nhỉnh lên một ít khi xét toàn năm. Điều này có lẽ là do mức nhập khẩu giảm mạnh, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP theo phép tính toán học.
Nếu số liệu công bố gây thất vọng thì đó có thể là tin xấu tác động tiêu cực đến tâm lý rủi ro chung, từ đó sẽ ảnh hưởng đến các loại tiền tệ gắn liền với hàng hóa như Dollar Úc. Các bên tham gia thị trường hiện đã đinh ninh rằng Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) sẽ tiến hành 8 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Vì vậy nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc lan tỏa tác động tiêu cực thì đều có thể sẽ khiến giới đầu tư đảo ngược lại dự đoán.
RBA cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp mới nhất vào ngày thứ Ba. Trong khi đó ở nước láng giềng New Zealand, số liệu thống kê lạm phát quý 1 sẽ được công bố vào ngày thứ Năm.
Tâm điểm chú ý: PMI của Mỹ và Anh
Đồng Dollar Mỹ tiếp tục dẫn trước các đồng tiền chính khác khi tăng mạnh nhờ giới trader kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất một cách quyết liệt để kiềm chế lạm phát. Ngoài màn thể hiện mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, phong ba bão táp cũng đang vần vũ ở châu Âu và Trung Quốc cũng đã giải phóng nguồn dự trữ tiền mặt.
Các bản tin đáng chú ý nhất trong tuần tới sẽ xoay quanh số liệu PMI từ Markit vào ngày thứ Sáu. Các chỉ số PMI này sẽ giúp cho giới đầu tư hình dung sơ bộ về diễn biến áp lực lạm phát và từ đó họ có thể xác định nên đánh cược như thế nào với các quyết định của Fed. Tuy vậy, phe mua sẽ khó có thể thúc đẩy USD tăng bùng nổ hơn nữa, vì thị giá hiện tại vốn dĩ đã hấp thụ trước tác động từ 9 đợt tăng lãi trong năm nay.
Ở Anh, chỉ số PMI cho tháng 4 cũng sẽ được tung ra vào ngày thứ Sáu cùng với doanh số bán lẻ cho tháng 3. Đồng bảng Anh gần đây đã tăng sau khi mức lạm phát ở Anh chạm mốc 7%, từ đó khiến giới trader tin rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ cố gắng kiềm chế lạm phát mạnh tay hơn nữa. Mặc dù vậy, nhìn chung đồng bảng Anh có vẻ nhạy cảm hơn với những nhịp đảo trong tâm lý rủi ro của nhà đầu tư hơn là những diễn biến tại Vương quốc Anh gần đây.