Tâm điểm của thị trường hôm nay là quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ương Canada (BOC). Quyết định mức lãi suất tiếp theo sẽ ảnh hưởng tới mô hình tích luỹ của cặp CAD/JPY.
Các yếu tố ảnh hưởng tới chính sách của BOC
Công ty báo cáo tín dụng Equifax Canada cho biết việc gia tăng số người đi vay đã nâng tổng nợ tiêu dùng lên 2.360 tỷ CAD trong quý III/2022, tăng 7,3% so với năm ngoái, ngay cả khi khối lượng vay thế chấp giảm. Khoản nợ không thế chấp trung bình đã tăng lên 21.183 CAD, mức cao nhất kể từ quý II/2020. Tổng nợ không thế chấp đạt 599,9 tỷ CAD, tăng 5,3% so với năm ngoái và tăng 1,9% so với quý III/2019, do số lượng người vay tăng 3,1%.
Chi tiêu bằng thẻ tín dụng trong quý đã tăng 17,3% so với năm ngoái, lên mức cao nhất trong 1 quý từ trước đến nay. Chi tiêu trung bình bằng thẻ tín dụng đạt gần 2.447 CAD, tăng 21,8% so với quý III/2019.
Một số dấu hiệu cho thấy những người đi vay bắt đầu gặp khó khăn trong việc trang trải các hóa đơn. Các khoản nợ quá hạn đối với các khoản vay mua ô tô cũng bắt đầu có xu hướng tăng lên, đặc biệt là những khoản vay được mở từ cuối năm 2021.
Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Nova Scotia cho biết, mặc dù chi tiêu của chính phủ liên bang dành cho các chương trình hỗ trợ trong đại dịch COVID-19 chỉ “góp” một phần nhỏ vào việc gia tăng lạm phát, nhưng nó đã buộc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) phải tăng lãi suất một cách mạnh tay hơn mức cần thiết.
Các nhà kinh tế của Scotiabank lập luận rằng mặc dù các gói chi tiêu trong đại dịch của Ottawa đóng một vai trò nhỏ trong việc thúc đẩy lạm phát cao hơn, nhưng cũng tạo ra nhu cầu dư thừa mà BoC đang cố gắng hạn chế bằng cách tăng chi phí đi vay. BoC đã tăng lãi suất từ 0,25% lên 3,75% trong năm nay. Scotiabank dự báo lãi suất sẽ được tăng thêm 50 điểm cơ bản trong quyết định ngày 7/12 của BoC và mức tăng này sẽ đánh dấu sự kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện tại của BoC.
Các động lực tiềm năng trên lịch kinh tế hôm nay (07/12):
GDP sửa đổi của khu vực đồng euro lúc 10:00 sáng theo giờ GMT
Tuyên bố chính sách của BOC lúc 3:00 chiều theo giờ GMT (22:00 theo giờ Việt Nam)
Mức dự trữ dầu thô của Mỹ lúc 3:30 chiều theo giờ GMT (22:30 theo giờ Việt Nam)
Số dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản lúc 11:50 chiều theo giờ GMT
Cán cân giá nhà RICS của Vương quốc Anh lúc 12:01 tối theo giờ GMT (08/12)
Cán cân thương mại Australia lúc 12:30 tối theo giờ GMT (08/12) (07:30 sáng ngày 08/12 theo giờ Việt Nam)
CAD/JPY
CAD/JPY hiện đang chuyển động trong xu hướng giảm kể từ khi bị từ chối ở cột mốc nhạy cảm 110,00 vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.
Trên thực tế, cặp tiền tệ này đã từng có lúc phá thủng xuống dưới vùng giá 100,00 vào cuối tháng 11 và hiện đang tích lũy trong một mô hình tam giác đối xứng gần vùng 100,00 – 101,00.
Thị trường hiện vẫn mù mờ về dự báo mức tăng lãi suất của BOC trong thời gian tới. Một số dự đoán rằng BOC sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống “chỉ” còn 25 điểm cơ bản trong khi những người khác tin rằng Thống đốc Tiff Macklem và các đồng sự của ông sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp.
Việc tăng lãi suất theo phương án 50 điểm cơ bản có thể khiến CAD/JPY vượt lên trên vùng tích lũy tam giác. Cặp đôi này có thể đạt 102,00 hoặc thậm chí 103,00 tùy thuộc vào mức độ quyết liệt của các thành viên BOC trong tương lai gần.
Ngược lại, nếu BOC tăng lãi suất 25 điểm cơ bản hoặc nếu các quan chức BOC thảo luận về việc làm chậm tốc độ tăng lãi suất thì điều này có thể giữ cho CAD/JPY tiếp tục tích lũy, hoặc cũng có thể giảm thủng mô hình tam giác.
Chú ý nếu giá phá vỡ mức hỗ trợ 100,00 thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy CAD/JPY sẽ kéo dài xu hướng giảm trên khung hàng tuần.