Các cổ đông của Nike không quen với việc công ty thua lỗ. Và cuối cùng thì họ cũng đã được giải tỏa vào cuối ngày thứ Hai sau báo cáo thu nhập Q4 tốt hơn kỳ vọng của ông lớn may mặc thể thao.
Nike (NKE) báo cáo thu nhập đạt 90 cent/cổ phiếu với doanh thu 12,2 tỷ USD. Ước tính đồng thuận của các nhà phân tích đã kỳ vọng Nike kiếm được 81 cent/cổ phiếu với doanh thu 12,07 tỷ USD.
Thị trường Trung Quốc Đại Lục vẫn là một lực cản với doanh thu giảm khoảng 20%. Doanh thu phân khúc Bắc Mỹ của Nike cũng giảm 5%. Tuy nhiên, công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số trên cơ sở tiền tệ không đổi ở các khu vực khác.
Cổ phiếu Nike đã tăng 1,6% trong những phút đầu sau báo cáo thu nhập của công ty.
Nike từ lâu đã là một cường quốc trên thị trường chứng khoán, tăng gần 90% trong nửa thập kỷ qua, vượt trội hơn mức tăng 60% của S&P 500. Cổ phiếu cũng đã có nhiều năm dễ dàng vượt qua các đối thủ khác trong không gian hàng tiêu dùng tùy ý và đạt đỉnh lịch sử trong thời gian đại dịch.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cổ phiếu khác, Nike đã sụt giảm trầm trọng trong năm nay: cổ phiếu đã mất gần 1/3 giá trị trong năm 2022 trong khi thị trường rộng lớn hơn “chỉ” giảm khoảng 20%.
Các nhà phân tích đã chạy đua hạ thấp ước tính của họ trước báo cáo. Theo FactSet, ước tính thu nhập trên một cổ phiếu sau điều chỉnh cho quý vừa rồi đã giảm hơn 5% trong tháng trước và giảm 1,1% chỉ trong tuần vừa rồi.
Vậy điều gì đã thúc đẩy tâm lý đang héo mòn?
Đầu tiên và quan trọng nhất là Trung Quốc: Nike đã mắc kẹt giữa cuộc tranh cãi đang diễn ra về các cáo buộc xung quanh vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Công ty đã vấp phải phản ứng dữ dội ở Trung Quốc vì những lời chỉ trích của phương Tây về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ. Trong khi đó, người tiêu dùng phương Tây lại cho rằng công ty đã không làm đủ để tránh vấn đề này.
Tuy nhiên, phần lớn nỗi lo đó đã bị che lấp bởi những lo lắng về sự phá hủy nhu cầu đang diễn ra do các đợt phong tỏa quy mô lớn trong chính sách zero-Covid của Trung Quốc. Các đợt phong tỏa này đã làm ảnh hưởng đến doanh thu trong khu vực, bằng chứng là báo cáo thu nhập gần đây nhất của Adidas vào tháng trước.
Đó không phải là vấn đề duy nhất của Nike. Nhà đầu tư cũng đang đặt nghi vấn về khả năng duy trì sức mạnh tại thị trường Bắc Mỹ, quê hương của công ty.
Mặc dù các công ty sản xuất đồ thể thao như Lululemon Sportsletica (LULU) và Foot Locker (FL) đã ghi nhận những kết quả tốt, điều đáng lo ngại là người tiêu dùng đang cảm thấy sức ép ngày càng lớn từ lạm phát và nhiều khả năng sẽ quay lưng lại với hàng hóa thường ngày — như giày thể thao.
Suy cho cùng, người mua sắm đã tích trữ các hàng hóa này trong thời gian đại dịch, và chúng không phù hợp cho các kỳ nghỉ và đám cưới, những sự kiện đã quay trở lại sau hai năm trì hoãn. Tồn kho hàng may mặc tăng cao tại các cửa hàng khác cũng làm dấy lên lo ngại về việc giảm giá tràn lan.
Do đó, việc Nike đánh bại kỳ vọng đối với cả doanh thu và thu nhập có thể là một kết quả đáng mừng đối với nhà đầu tư trong bối cảnh kết quả thu nhập trái chiều của các công ty hàng tiêu dùng, ngay cả khi Nike vẫn phải đối mặt với nhiều sóng gió.