Cách phân tích cổ phiếu (Phần 1)

  • Khi quyết định đầu tư vào một kênh nào đó, bạn nên lập kế hoạch và đặt mục tiêu cho danh mục đầu tư của mình.
  • Nếu hiểu rõ cách phân loại các khoản đầu tư theo rủi ro và cơ hội, điều đó có thể giúp bạn thu hẹp các lựa chọn tiềm năng.
  • Việc phân tích các chỉ số cơ bản của các công ty đại chúng (những công ty có cổ phiếu giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) có thể giúp bạn đánh giá được các khoản đầu tư nào là tiềm năng.
  • Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng thường có sẵn trên các trang web cung cấp cơ sở dữ liệu công khai hoặc trên trang web của chính công ty

Việc ra quyết định đầu tư cũng giống như ra quyết định mua một chiếc xe hơi, nhưng hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Bạn có thể bắt đầu quá trình này bằng cách xác định rõ nhu cầu và phong cách cá nhân của mình trước tiên. Sau đó, bạn có thể xem xét các mô hình đầu tư khác nhau, so sánh các lựa chọn dựa trên giá cả và hiệu suất tiềm năng của chúng. Các bước ra quyết định đầu tư cũng phải trải qua quá trình phân tích tương tự như khi mu axe nhưng thậm chí còn chuyên sâu hơn. Đối với nhiều người, việc đánh giá các khoản đầu tư có thể sẽ không được tự nhiên như khi mua sắm ô tô, đặc biệt là nếu bạn mới thực hiện lần đầu tiên. Tuy nhiên, bằng cách tìm hiểu những điều cơ bản nhất, bạn sẽ có thể tìm ra những gì cần tìm và những gì có thể tránh.

Cho dù bạn chỉ muốn mua một cổ phiếu duy nhất hay sắp xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng, quyết định mua sắm thông minh có thể có tác động lớn đến hiệu suất danh mục đầu tư của bạn. Vậy làm thế nào bạn có thể biết được khoản đầu tư của mình có hợp lý hay không? Đáp án là chẳng có gì đảm bảo cả, nhưng có một số phương pháp có thể giúp bạn tăng cơ hội đầu tư thành công và hỗ trợ cho mục tiêu cá nhân. Dưới đây là những bước cần làm khi phân tích một khoản đầu tư tiềm năng:

  1. Lập kế hoạch

Cũng giống như khi bạn chọn một chiếc xe để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình, các khoản đầu tư sẽ phải hỗ trợ được cho mục tiêu của bạn. Kế hoạch của bạn sẽ cho biết bạn muốn giữ khoản đầu tư trong bao lâu và mức độ rủi ro mà bạn sẵn sàng chấp nhận. Khi vạch rõ những mục tiêu đầu tư nhất định, bạn sẽ có thể loại bỏ một số kênh đầu tư dễ biến động mà không cần màng đến chúng. Chẳng hạn, nếu bạn cần tiền trong thời gian ngắn (ví dụ như để trả thẻ tín dụng hoặc trả học phí) thì lựa chọn đầu tư vào các tài sản dễ biến động có thể khiến số tiền đó phơi bày trước rủi ro quá lớn, đến mức vượt ngoài mức thoải mái của bạn. Giá của những cổ phiếu như vậy có thể giảm nhanh chóng, kéo theo cả kế hoạch kiếm tiền của bạn. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, mặc dù kết quả trong quá khứ sẽ không thể đảm bảo chắc chắn cho tương lai, nhưng kênh đầu tư chứng khoán cũng là một trong những con đường tốt nhất để tăng trưởng trong dài hạn. Nếu bạn nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài hơn (hơn 10 năm) thì rủi ro thua lỗ sẽ bị giảm thiểu xuống, chiến lược này có thể sẽ hữu ích khi bạn cần hỗ trợ các mục tiêu dài hạn, chẳng hạn như mua nhà, nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ hoặc nghỉ hưu . Để chiến lược này có hiệu quả, bạn cần có khả năng vượt qua các giai đoạn suy thoái của thị trường, mà điều này không hề dễ.

Khi bạn đã xác định được mức độ rủi ro mà bản thân có thể chịu đựng, lúc này bạn có thể cân nhắc đến việc phân bổ tỷ trọng cho các khoản đầu tư của mình. Nói cách khác, bạn phải xác định xem có bao nhiêu phần trăm trong danh mục đầu tư của mình được phân bổ cho từng loại hình đầu tư? Mọi kênh đầu tư đều có rủi ro, nhưng thường thì rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn. Đó là lý do tại sao một số nhà đầu tư dành ra một phần danh mục đầu tư của họ cho các khoản đầu tư thường có lợi tức thấp, chẳng hạn như trái phiếu, để cân bằng với các khoản đầu tư có rủi ro cao hơn, nhưng cũng có khả năng sinh lời cao hơn như cổ phiếu.

  1. Nắm rõ các điểm khác biệt

Cũng giống như các dòng xe khác nhau tại showroom, mỗi cổ phiếu đều có tố chất khác nhau. Chúng có thể khác nhau về quy mô, mục đích và tất nhiên là giá cả. Có người thì muốn mua một chiếc bán tải, có người lại có nhu cầu mua một chiếc xe thể thao hoặc một mẫu nào đó khác, tùy thuộc vào từng cá nhân. Khi đánh giá một cổ phiếu, bạn có thể xem xét mức vốn hóa thị trường của công ty tương ứng, lĩnh vực kinh doanh của họ và vị trí phù hợp của cổ phiếu này với danh mục đầu tư của bạn. Bạn cũng có thể tìm hiểu xem điểm gì khiến cổ phiếu đó hấp dẫn. Công ty có trả cổ tức không? Họ có sẵn sàng tăng trưởng không?

Dưới đây là một số chỉ số lọc có thể giúp bạn phân loại cổ phiếu và tận dụng tiềm năng của chúng:

Quy mô: Khi đi mua xe, bạn có thể sẽ cân nhắc giữa một chiếc SUV hay một chiếc sedan. Tương tự như vậy, ở cương vị là nhà đầu tư, bạn nên đánh giá về quy mô của một công ty. Một thước đo phổ biến để đánh giá quy mô của một công ty là giá trị vốn hóa thị trường (hay còn gọi là “vốn hóa thị trường”). Đây là giá trị của công ty nếu nhân tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá cổ phiếu hiện tại của công ty. Ví dụ, nếu công ty Eric’s Electronics có 30 cổ phiếu và thị giá là 4 USD, công ty sẽ có vốn hóa thị trường là 120 USD (30 cổ phiếu x 4 USD cho mỗi cổ phiếu = 120 USD vốn hóa thị trường).

Tại Mỹ, các công ty vốn hóa nhỏ thường được định giá từ 250 triệu đến 2 tỷ USD, và các công ty vốn hóa trung bình được định giá từ 2 tỷ đến 10 tỷ USD. Các công ty có vốn hóa lớn là những công ty có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, đôi khi, vốn hóa thị trường chỉ là thước đo dựa trên nhận thức thay vì dựa trên các chỉ số cơ bản của doanh nghiệp. Đó là bởi vì một số nhà đầu tư đánh giá cổ phiếu dựa trên giá trị nội tại của chúng, trong khi những người khác lại tiếp cận chúng dựa trên mức độ phổ biến hoặc dựa trên tâm lý đám đông. Dựa vào đó, các công ty thường có những điểm tương đồng nhất định ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau. Các công ty vốn hóa nhỏ thường chưa chứng minh được độ bền vững qua thời gian. Nhiều công ty trong số đó cho thấy tiềm năng được mua lại hoặc có thể chính là mục tiêu bị công ty khác thâu tóm, nhưng họ cũng phải đối mặt với những khó khăn ngày càng nặng nề hơn. Chẳng hạn, nhiều nhà quan sát sẽ đặt vấn đề rằng liệu họ có thể mở rộng thêm cơ sở khách hàng hiện tại hay không? Họ có bị áp lực từ những người đương nhiệm hay từ quy định luật pháp không? Các công ty vốn hóa nhỏ cuối cùng có thể trở thành công ty vốn hóa trung bình hoặc vốn hóa lớn, nhưng họ cũng có thể thất bại. Có một kịch bản khác cũng hoàn toàn có thể xảy ra là công ty vốn hóa nhỏ vẫn giữ nguyên trạng thái là một công ty vốn hóa nhỏ. Ngược lại, các công ty vốn hóa lớn có xu hướng ổn định hơn, với kinh nghiệm quản lý dày dặn và tiền mặt dồi dào. Cả hai nguồn lực này đều có thể giúp họ vượt qua những thách thức nảy sinh từ đối thủ cạnh tranh và duy trì hiệu quả hoạt động. Nhìn chung, các công ty vốn hóa lớn có nhiều khả năng trả cổ tức hơn. Chỉ số S&P 500 có rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó tập hợp những tập đoàn đại chúng lớn nhất ở Mỹ.

Ngành: Nếu bạn chia nhóm tất cả các doanh nghiệp theo phân khúc mà họ đang hoạt động, bạn sẽ có các ngành khác nhau. Ví dụ, ngân hàng là một phần của ngành tài chính, các công ty internet được xếp vào ngành công nghệ thông tin hoặc dịch vụ truyền thông, các nhà sản xuất thuốc thuộc ngành chăm sóc sức khỏe, các nhà sản xuất tã lót là một ví dụ tiêu biểu của ngành tiêu dùng thiết yếu, v.v. Có nhiều cách khác nhau để phân loại ngành, nhưng theo tiêu chuẩn chung, có 11 nhóm ngành trên thị trường chứng khoán, theo định nghĩa của Bộ Tiêu chuẩn Phân loại Ngành Toàn cầu, một công cụ phổ biến được sử dụng trong thế giới tài chính. Khi đánh giá một khoản đầu tư chứng khoán tiềm năng, bạn sẽ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh rõ ràng hơn khi so sánh với những công ty khác trong cùng lĩnh vực. Việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau có thể giúp bạn đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, giảm bớt tác động khi thị trường suy yếu trong một nhóm ngành này và đạt hiệu suất tốt ở nhóm ngành khác.

Phong cách: Bạn có muốn mua một chiếc xe hơi mới toanh hay bạn muốn săn được một món hời cũ giá rẻ? Phong cách ở đây không liên quan nhiều đến doanh nghiệp, mà chủ yếu xoay quanh cách phân loại các khoản đầu tư của họ. “Các nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng” có thể sẽ tập trung tìm đến các công ty đang mở rộng quy mô nhanh chóng. Thông thường, đây là những công ty được các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi và được xem là những công ty kỳ lân. Trong khi đó, “các nhà đầu tư giá trị” có thể tìm đến các công ty mà họ cho là bị định giá thấp. Cả hai phong cách đầu tư nêu trên đều có lợi ích và rủi ro, đó là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư sở hữu cả cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng.

Cổ tức (hoặc không có cổ tức): Là một cổ đông, khoản đầu tư ban đầu có thể sinh lợi cho bạn theo hai cách 1) Cổ phiếu của công ty tăng giá, như vậy bạn có thể bán khoản đầu tư với giá cao hơn số tiền bạn đã trả, hoặc 2) bạn thu cổ tức, thu phần lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể trả cho các cổ đông. Không phải công ty nào cũng đều trả cổ tức, nhưng những công ty có trả cổ tức thường sẽ trả theo định kỳ. Mặc dù cổ tức chưa chắc được đảm bảo và có thể bị hủy bỏ hoặc giảm bớt mà công ty không cần ra thông báo, nhưng cổ tức có thể mang lại cho các nhà đầu tư một nguồn thu nhập khác.

Thuật ngữ “lợi suất cổ tức” là dùng để chỉ tỷ lệ giữa số tiền mà một công ty trả cổ tức trong năm tài chính gần nhất chia cho giá cổ phiếu của công ty đó. Chỉ số này có thể giúp các nhà đầu tư nắm bắt được giai đoạn phát triển của công ty. Thông thường, các công ty ở giai đoạn đầu hoàn toàn không trả cổ tức cho các nhà đầu tư vì họ chỉ muốn tiếp tục xây dựng hoạt động kinh doanh và phát triển các sản phẩm mới. Để so sánh, các công ty trưởng thành hơn có nhiều khả năng cung cấp cho các nhà đầu tư mức cổ tức cao hơn. Những công ty chuyên cung cấp các mặt hàng hoặc dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng đóng gói, thường sẽ có lợi suất cổ tức cao

Khi nhận cổ tức, mục đích chi tiêu số cổ tức đó hoàn toàn thuộc về bạn. Một số nhà đầu tư sẽ chọn cách sử dụng cổ tức để mua thêm cổ phiếu của công ty đó, hay được gọi là tái đầu tư cổ tức. Các kế hoạch dạng này thường được các công ty môi giới chào mời, và đôi khi có những công ty đại chúng cũng trực tiếp đưa ra đề nghị cho các cổ đông của mình.

Quỹ đầu tư cá nhân: Nếu bạn cảm thấy lo lắng trước áp lực phải chọn từng cổ phiếu thì bạn không cần phải mò mẫm từng mã đơn lẻ. Nếu muốn, bạn có thể mua một loạt các cổ phiếu khác nhau thông qua quỹ hoán đổi danh mục (ETF) hoặc quỹ tương hỗ. Những kênh đầu tư này cho phép bạn sở hữu nhiều cổ phiếu cùng một lúc. Điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro khi chỉ chọn một cổ phiếu, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với các quỹ ETF và quỹ tương hỗ, bạn cũng có thể tìm đến các quỹ đầu tư chỉ chuyên tập trung vào các lĩnh vực hoặc áp dụng mức rủi ro nhất định.

Cho dù bạn sắp đầu tư vào cổ phiếu riêng lẻ hay các quỹ đã tạo sẵn, thì công cụ sàng lọc cổ phiếu có thể giúp bạn phân loại các lựa chọn đầu tư, theo quy mô, ngành nghề, giá cả và các thước đo khác. Ngoài ra, một số nhà đầu tư có thể bắt đầu tham gia thị trường bằng cách phân tích các công ty mà họ biết rõ và so sánh những công ty này với những công ty khác trong danh mục của họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *