Việc EUR/USD sẽ chuyển động theo hướng nào phụ thuộc rất nhiều vào kết quả cuộc họp sắp tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 21/7.
Trong phiên giao dịch thứ Năm ngày 14/7, tỷ giá EUR/USD đã giảm xuống dưới 1,0000, chạm mức thấp nhất trong ngày tại 0,9952. Cặp tiền này sau đó đã tăng trở lại mức 1,0025 và đã dao động xung quanh tầm giá cao hơn kể từ đó. Câu hỏi đặt ra là hướng giá của EUR/USD thời gian tới sẽ như thế nào?
Đồng Euro chưa bao giờ mất giá như lúc này
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên 8,6% trong tháng 6, cao nhất từ trước đến nay, lý do chủ yếu vẫn là do giá năng lượng tăng vọt. Lạm phát đã vượt quá 10% tại gần một nửa số quốc gia trong khối Eurozone.
Chênh lệch lãi suất ngày càng tăng đã đạp EUR/USD xuống thấp hơn. ECB hiện đang chậm hơn so với các Ngân hàng Trung ương Anh và Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát. Trong khi phần lớn các nước trên thế giới đã tăng lãi suất để cố gắng kìm hãm lạm phát, ECB đã không tăng lãi suất một điểm nào, họ để lãi suất ở mức cực thấp -0,5%. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất lên mức 1,75% và đang thảo luận xem liệu có nên tăng lãi suất thêm 0,75% hay 1% vào cuộc họp tiếp theo hay không. Chỉ số CPI tháng 6 của Mỹ là 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tháng 6, Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định ngân hàng dự kiến mức tăng lãi suất sẽ là 0,25% vào tháng 7 tới đây. Mức này phù hợp với những gì mà hầu hết các nhà phân tích đã mong đợi. Bên cạnh đó, một đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9/2022. Đợt tăng này có thể có biên độ lớn hơn nếu lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao. Hướng giá của EUR/USD trong thời gian tới được giới đầu tư đánh giá sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả các cuộc họp này.
“Lạm phát cao là một thách thức lớn đối với tất cả chúng ta”, bà Christine Lagarde nhấn mạnh. “Dựa trên đánh giá hiện tại, chúng tôi dự đoán rằng việc tăng lãi suất dần dần nhưng bền vững sẽ là phù hợp”.
ECB đang nỗ lực để tạo ra sự cân bằng giữa một bên là kế hoạch tăng lãi suất để kéo giảm lạm phát và một bên là mức độ tăng lãi suất đủ lớn để không khiến nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái. Ngoài ra, ECB đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về cách kiểm soát lãi suất nếu lãi suất tại các quốc gia thành viên Eurozone bắt đầu tăng. Kết quả là nhờ công cụ “chống phân mảnh”, khi đó ECB sẽ sử dụng các khoản nợ đáo hạn từ số trái phiếu nắm giữ để mua trái phiếu mới ở các quốc gia có lợi suất cao hơn.
Liệu tỷ giá EUR/USD có giảm nữa hay không?
Từ góc nhìn kỹ thuật, mức ngang giá, hay 1,0000 chỉ là một con số. Tuy nhiên, con số này đã đóng vai trò như một mức hỗ trợ tâm lý trong vài ngày qua. EUR/USD đã từng giao dịch dưới mức đó, cho nên không có lý do nào đà giảm sẽ dừng lại ở đó. Trên khung thời gian hàng ngày, EUR/USD đã giảm xuống dưới mức ngang giá và nằm dưới đường giới hạn dưới của kênh dốc xuống kéo dài từ đầu tháng 2. Nếu giá tiếp tục giảm, mức hỗ trợ tiếp theo sẽ có thể là mức thấp nhất của tháng 12/2002 tại ngưỡng 0,9859. Trong trường hợp lực bán vẫn còn mạnh, tỷ giá có thể giảm xuống mức 0,9595, đây là mức hỗ trợ ngang kể từ tháng 1/2001.
Tuy nhiên, tỷ giá EUR/USD leo trở lại lên trên mức ngang giá, từ đó tạo ra một mô hình nến búa, mà đây lại là một tín hiệu đảo chiều. Ngoài ra, chỉ báo RSI cũng đang ở trong vùng quá bán. Mức kháng cự đầu tiên sẽ là mức cao nhất của ngày 14/7 tại mốc 1,0122. Ở trên đó, EUR/USD có thể leo lên ngưỡng hỗ trợ cũ (hiện đã đảo vai thành kháng cự) tại mức 1,0340 và sau đó là đường giới hạn trên của kênh xu hướng dốc xuống gần 1,0525.