Triển vọng forex trong tuần (28/02-04/03): NFP, tâm điểm Nga

Mọi sự chú ý của thị trường hiện đều đổ dồn về Nga và Ukraina, nhưng các bạn trader cũng đừng quên những sự kiện hàng đầu sau.
Trong tuần, nổi bật nhất sẽ là một số quyết định của các ngân hàng trung ương, cuộc họp của OPEC, sự kiện công bố GDP và báo cáo NFP.
Vậy các nhà quan sát thị trường đang mong đợi điều gì ở những sự kiện xúc tác tiềm năng này?

Các sự kiện kinh tế trọng điểm:

Quyết định chính sách tiền tệ của RBA (01/03, 3:30 sáng GMT): Ngân hàng trung ương Úc được cho là sẽ án binh bất động và giữ nguyên lãi suất ở mức 0,10% ở thời điểm hiện tại.
Điều này được căn cứ trên một tuyên bố tương đối thận trọng trước đó, xóa bỏ hy vọng rằng RBA có thể thắt chặt chính sách trong vòng nửa đầu năm nay. Nếu RBA chuyển sang giọng điệu “diều hâu” một cách quyết liệt hơn thì AUD có thể có tiềm năng tăng, nhưng đây có thể là một kịch bản khó xảy ra với tình hình căng thẳng địa chính trị gần đây.
GDP hàng quý của Úc (02/03, 12:30 sáng GMT): Úc sẽ tung ra báo cáo kinh tế quý 4 năm 2021, có thể sẽ phục hồi vơi mức tăng trưởng 3,0% sau khi GDP bị giảm 1,9% trước đó.
Nếu kết quả thực tế yếu kém hơn dự kiến ​​thì điều đó có thể khiến giới đầu tư nghi ngờ về khả năng RBA tăng lãi suất vào giữa năm 2022. Nhưng nếu kết quả thực tế tốt hơn mong đợi thì có thể mang lại hy vọng cho phe mua Dollar Úc rằng nền kinh tế nước này có thể vượt qua những khó khăn sắp tới.
Quyết định chính sách tiền tệ của BOC (02/03, 3:30 chiều GMT): Sau khi giữ nguyên lãi suất kể từ khi đại dịch bùng phát, ngân hàng trung ương Canada có thể sắp chuẩn bị tăng lãi suất thêm 0,25% lên 0,50%.
Tuy nhiên, những vấn đề căng thẳng địa chính trị gần đây có khả năng buộc các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ lại về lập trường lạc quan của họ, từ đó họ có thể sẽ phải chừa đường lui cho những thách thức kinh tế mới. Tiếp đến, khi giá dầu thô tăng một lần nữa, điều đó có thể khiến cho áp lực lạm phát thậm chí còn mạnh hơn, qua đó càng làm tăng khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn trong thời gian tới.
Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ (04/03, 1:30 chiều GMT): NFP của Mỹ vào tháng 1 đạt kết quả khá ấn tượng, vì vậy giới giao dịch Dollar Mỹ rất muốn tìm hiểu xem động lực của thị trường lao động có được tiếp tục duy trì hay không.
Các nhà phân tích dự đoán số lượng vị trí tuyển dụng sẽ tăng 400 nghìn trong tháng 3, chậm hơn một chút so với mức tăng 467 nghìn trong kỳ trước và so với mức tăng 510 nghìn của tháng 12. Kết quả này có thể vẫn đủ để đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn một bậc còn 3,9% trong tháng.
Các chỉ số báo trước như kết quả khảo sát ISM và chỉ số thay đổi việc làm phi nông nghiệp do ADP thống kê sẽ được công bố ngay trong tuần, như vậy những dữ liệu này có thể tác động đến kỳ vọng của thị trường và xu hướng diễn biến của đồng USD.
Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell: Chủ tịch Fed sẽ có một loạt các bài báo cáo được lên lịch trong quãng thời gian nửa sau của tuần. Ông sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ để trình bày quan điểm về lạm phát.
Powell có thể sẽ phải trả lời các câu hỏi về việc xung đột giữa Nga và Ukraina, cũng như các lệnh trừng phạt từ các quốc gia phát triển, sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Mỹ và thiên kiến chính sách của Fed.
Ngoài ra, lưu ý rằng mức lạm phát tại Mỹ đang đứng ở mức cao nhất trong 40 năm qua, vì vậy các thành viên Quốc hội có thể sẽ chất vấn ông Powell về kế hoạch kiểm soát áp lực giá của Fed.
Các cuộc họp OPEC-JMMC: Dầu thô đã trở thành chủ đề nóng kể từ khi căng thẳng bùng phát giữa Nga và Ukraina, vì nguy cơ thiếu hụt sản lượng và các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu.
Lưu ý rằng Nga là một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, do đó, tình trạng gián đoạn về sản lượng có thể đẩy giá dầu thô vượt mốc 100 USD/thùng. Hiệu ứng này có thể gây tác động lây lan khiến giá hàng hóa tăng thậm chí còn cao hơn và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng khác, vì vậy OPEC đang đứng trước áp lực buộc phải hành động.

Mô hình thiết lập forex trong tuần: AUD/JPY

Triển vọng forex trong tuần (28/02-04/03): NFP, tâm điểm Nga
Giữa bối cảnh mà tâm lý rủi ro vẫn có khả năng là động lực thúc đẩy hành động giá nhiều nhất trong những ngày này, mô hình tam giác đối xứng của cặp AUD/JPY sẽ là tâm điểm chú ý của nhiều trader.
Cặp forex này đã hình thành chuỗi đỉnh thấp hơn và chuỗi đáy cao hơn kể từ tháng 11 năm ngoái, tạo ra một mẫu hình tam giác có chiều cao khoảng 500 pip. Điều này có nghĩa là nếu giá chuyển động bứt phá theo một trong hai hướng thì có thể nhịp chuyển động nối tiếp sau đó sẽ có cùng độ cao với chiều cao của mô hình tam giác, vì vậy đây sẽ là cơ hội “ngon ăn” mà không trader nào muốn bỏ lỡ.
Giá đã bị đánh bật trở xuống trong nỗ lực mới nhất để vượt qua ngưỡng kháng cự, qua đó rơi xuống mức thấp hơn vào cuối tuần và cho thấy rằng phe bán đã hoạt động rất tích cực. Nếu xu hướng giảm này được duy trì, phe bán AUD/JPY có thể sẽ cố gắng xuyên thủng xuống dưới ngưỡng hỗ trợ của tam giác tại mốc 82,00.
Hoặc để chắc ăn hơn, các bạn trader có thể chờ cho đến khi hai đường trung bình động giao cắt giảm với nhau và chỉ báo Stochastic rơi từ vùng quá mua trở xuống để xác nhận rằng nhịp giảm sẽ còn tiếp diễn.
Ngoài ra, các bạn cũng nên theo dõi quyết định của RBA và kết quả công bố GDP quý 4 năm 2021 của Úc trong nửa đầu tuần này để đánh giá vị thế của đồng Dollar Úc. Ngoài ra, hãy chú ý theo dõi các tin tức về Nga để xem liệu nhà đầu tư có tiếp tục tháo chạy dòng tiền khỏi tài sản rủi ro hay không.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *