Trade theo dòng sự kiện: báo cáo lạm phát Mỹ (tháng 04/2022)

Ngày mai, lúc 12:30 trưa GMT, các số liệu về giá tiêu dùng của nền kinh tế Mỹ trong tháng 4 sẽ được công bố.
Liệu các con số thống kê trong tuần này có khả năng báo hiệu “lạm phát đã đạt đỉnh” hay không? Quan trọng hơn, thị trường sẽ phản ứng như thế nào?
Dưới đây là những tiêu điểm đáng chú ý mà các bạn trader cần cân nhắc nếu định giao dịch theo sự kiện nóng hổi này:

Báo cáo CPI là gì?

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phản ánh mức thay đổi hàng tháng về giá hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng chi trả. Chỉ số này ở Mỹ cũng có một phiên bản gọi là “CPI cơ bản” (core CPI), trong đó không bao gồm các mặt hàng dễ bị biến động giá như thực phẩm và năng lượng.
Giới trader chuyên nghiệp thường chú ý quan sát chỉ số CPI vì mục tiêu ổn định giá cả là một trong những trọng tâm hàng đầu của ngân hàng trung ương Mỹ (Fed). Điều đó có nghĩa là cơ quan này có thể sẽ thay đổi các chính sách của họ nếu nền kinh tế phát sinh bất kỳ xu hướng trọng yếu nào mà có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng.

Kết quả kỳ trước

  • CPI toàn phần (so với tháng trước): 1,2% đúng như dự kiến ​​so với 0,8% trong tháng 2
  • CPI cơ bản (so với tháng trước): 0,3% so với 0,5% theo dự kiến, 0,5% trong tháng 2
  • CPI toàn phần (so với năm trước): 8,5% so với 8,4% theo dự kiến, 7,9% trong tháng 2
  • CPI cơ bản (so với năm trước): 6,5% so với 6,6% theo dự kiến, 6,4% trong tháng 2
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 0,8% lên 1,2% trong tháng 3, đánh dấu mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 09/2005.
Mức lạm phát hàng năm, một chỉ số vốn được giới quan sát theo dõi chặt chẽ hơn, đã tăng mạnh lên mức 8,5%. Tốc độ tăng giá như thế này là nhanh nhất kể từ tháng 12/1981.
Khi phân tích kỹ hơn thì có thể thấy giá năng lượng, chỗ ở và thực phẩm tăng cao hơn, qua đó góp phần nhiều nhất vào mức tăng giá chung.
Với kết quả tăng giá nhanh hơn dự kiến, điều đó ​​gợi ý cho các trader rằng Fed có thể và sẽ tăng lãi suất mạnh tay để chống lại lạm phát.
Do thị trường dự đoán rằng lãi suất sẽ tăng cao hơn và có thể đà phục hồi kinh tế ở Mỹ sẽ chậm lại nên điều này đã kéo đồng USD xuống mức đáy mới trong ngày trước khi ổn định gần mức đáy trước thời điểm công bố báo cáo.

Kỳ vọng của thị trường trong kỳ này

  • CPI toàn phần (so với tháng trước): 0,3% so với 1,2% trước đó
  • CPI cơ bản (so với tháng trước): 0,5% so với 0,3% trước đó
  • CPI toàn phần (so với năm trước): 8,2% so với 8,5% trước đó
  • CPI cơ bản (so với năm trước): 6,2% so với 6,5% trước đó
Chỉ số CPI toàn phần dự kiến ​​sẽ giảm từ 1,2% xuống 0,3% ngay cả khi giá hàng hóa tiêu dùng cơ bản tăng từ 0,3% đến 0,5%.
Trong khi đó, CPI hàng năm có thể giảm từ mức cao nhất trong 41 năm qua ở ngưỡng 8,5% xuống còn 8,2%. Nếu kết quả thực tế đúng như dự đoán, nhịp giảm tốc này sẽ là lần đầu tiên kể từ tháng 08/2021 và lần thứ hai kể từ giữa năm 2020.
Tuy nhiên, trừ khi tốc độ tăng giá chậm lại thì khi đó các con số của tuần này có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lịch trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.
Thống đốc Jerome Powell và các cộng sự của ông có thể sẽ tiếp tục tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất 0,5% nữa cùng lịch trình thắt chặt bảng cân đối kế toán.
Nếu lạm phát bớt tăng nóng lại thì điều có thể làm dấy lên các cuộc thảo luận về việc “lạm phát đã chạm đỉnh” và khuyến khích nhà đầu tư xông xáo với rủi ro trên thị trường.
Ngược lại, nếu giá tiêu dùng tiếp tục tăng thì có nghĩa là Fed sẽ cần tiếp tục thắt chặt trong một thời gian nữa. Đồng USD có thể tiếp tục tăng giá trên diện rộng và từ đó tạo áp lực đè nén lên các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán và tiền điện tử.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *