Theo các ước tính, hiện có khoảng 630.000 công ty được giao dịch công khai trên thế giới. Tăng trưởng của các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế bên ngoài Hoa Kỳ và Châu Âu là lý do chính khiến số lượng các công ty đại chúng tiếp tục tăng lên. Không thể phủ nhận Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện tại nhiều sàn giao dịch lớn khác đang nằm tại Châu Á, nơi vẫn đang tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Dưới đây là những thông tin cần biết về một số các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế lớn nhất trên thế giới.
1. Sở giao dịch chứng khoán New York
Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) trực thuộc NYSE EURONEXT, một công ty đang quản lý các sàn giao dịch ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Công ty này ước tính các sàn giao dịch của họ đại diện cho khoảng 1/3 tổng số chứng khoán được giao dịch trên toàn thế giới. Tính theo giá trị vốn hóa thị trường gần 10 nghìn tỷ USD mà sàn này đại diện thì NYSE tiếp tục là một trong những sàn giao dịch chính và lớn nhất thế giới .
NYSE đã ra đời từ năm 1792 và người ta tin rằng Bank of New York – hiện là một phần của Bank of New York Mellon – là cổ phiếu đầu tiên được giao dịch. Việc rung chuông NYSE vào đầu và cuối mỗi ngày giao dịch là hình ảnh thường thấy trên các phương tiện truyền thông ngày nay.
Trong những năm gần đây, kinh doanh sàn giao dịch chứng khoán trở thành một hoạt động có độ cạnh tranh cực kì cao. Trong một hồ sơ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) gần đây, công ty lưu ý rằng họ phải cạnh tranh cực khốc liệt để được niêm yết cổ phiếu/vốn cổ phần, quỹ hoán đổi danh mục, các sản phẩm tài chính cấu trúc, hợp đồng tương lai, quyền chọn và các công cụ phái sinh khác.
2. Sở giao dịch chứng khoán Tokyo
Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) là sàn giao dịch lớn nhất của Nhật Bản và cũng đứng thứ hai trên thế giới sau NYSE với giá trị vốn hóa thị trường hơn 3 nghìn tỷ USD mà sàn này đại diện. Quy mô ngày càng lớn của TSE một phần do đồng yên Nhật mạnh hơn. Khoảng 2.000 công ty đang được niêm yết trên sàn chứng khoán này là của Nhật Bản.
Ước tính TSE mở cửa lần đầu tiên vào năm 1878 và là đối tác với nhiều sàn giao dịch nổi tiếng khác trên thế giới, chẳng hạn như sàn giao dịch chứng khoán London. Chỉ số Nikkei 225 là một trong những chỉ số chính và phổ biến nhất, đại diện cho một số công ty lớn nhất và thành công nhất ở Nhật Bản.
>> Xem thêm: Nhận biết sàn lừa đảo
3. Sở giao dịch chứng khoán London
Với giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết trên sàn được ước tính ở mức 2,2 nghìn tỷ USD, Sở giao dịch chứng khoán London (LSE) nằm trong top 5 sàn chứng khoán hàng đầu. Ước tính sàn LSE được thành lập vào năm 1801, tức là gần một thập kỷ sau khi NYSE “khai trương”.
LSE đánh giá mình là sàn giao dịch mang tính quốc tế nhiều nhất trong số các sàn giao dịch toàn cầu, dựa trên việc có khoảng 3.000 công ty từ khắp nơi trên thế giới giao dịch trên LSE và các sàn giao dịch liên kết của họ.
4. Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông
Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông là một trong 10 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới. Các công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán này có tổng vốn hóa thị trường gần 2 nghìn tỷ USD. Bắt đầu hoạt động từ trước năm 1900, Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông hiện có khoảng 1.500 công ty được niêm yết. Quan trọng nhất, sàn giao dịch này là một trong những con đường chính để đông đảo nhà đầu tư toàn cầu đầu tư vào Trung Quốc.
5. Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải
Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải là một trong những sàn giao dịch non trẻ nhất trên thế giới. Sở giao dịch này mở cửa lần đầu vào cuối năm 1990, hiện có 1.500 công ty đang giao dịch trên sàn chứng khoán này. Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng lên theo thời gian, tuy nhiên kể từ năm 2008, năm đánh dấu đỉnh điểm về mối quan ngại của việc đầu tư vào Trung Quốc, khối lượng giao dịch lại đột ngột giảm.
Một hạn chế lớn ở đây chính là là cổ phiếu “A” của các công ty Trung Quốc chỉ dành cho công dân sống ở Trung Quốc. Hồng Kông có cổ phiếu “H” được mở cho các nhà đầu tư toàn cầu.
Kết luận
Ngoài ra, các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế khác đáng được đề cập đến bao gồm Nasdaq – cũng có trụ sở tại Hoa Kỳ, Sở giao dịch chứng khoán Bombay ở Ấn Độ, Sở giao dịch chứng khoán Sao Paulo ở Brazil và Sở giao dịch chứng khoán Úc. Các sàn giao dịch này vẫn đang tiếp tục tăng cường tầm ảnh hưởng trên trường thế giới.
Cuộc suy thoái toàn cầu đang diễn ra đã làm chậm tiến trình phát triển của các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, các thị trường này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giành thị phần trong những thập kỷ tới khi nền kinh tế của họ tăng trưởng với các công ty mới ra mắt công chúng và huy động vốn để phục vụ tầng lớp người tiêu dùng ngày càng đông. Các thị trường mới nổi chắc chắn sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng góp phần mở rộng mạng lưới giao dịch trên toàn thế giới.
>> Xem thêm tại đây: review sàn uy tín