Phân tích USD/JPY
- USD/JPY có mạch tăng bứt phá trước các cuộc họp lãi suất của Fed và BoJ
- Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu làm giảm triển vọng của đồng Yên.
- Phân tích các mức kỹ thuật quan trọng của USD/JPY: mốc 120,00 trong tầm ngắm
Đà suy yếu của đồng yên và sự phụ thuộc vào dầu của nước Nhật giúp USD/JPY tăng bứt phá
Cặp Dollar Mỹ/Yên Nhật là một cặp khá khó chịu khi theo dõi diễn biến do xu hướng giao dịch của cặp này thường là đi ngang kể từ khi Nga tấn công Ukraina. Thông thường, trong những thời khắc bất ổn về mặt địa chính trị, đồng Yên Nhật sẽ tăng giá nhờ sở hữu sức hấp dẫn của một kênh tài sản trú ẩn an toàn, nhưng LẦN NÀY THÌ LẠI KHÁC.
Tỷ giá hối đoái của các cặp forex chéo có chứa đồng Yên Nhật đa phần đều được hưởng lợi nhờ việc đồng tiền tiêu biểu của châu Á mất giá trong thời gian gần đây khi cán cân thương mại của xứ sở hoa anh đào lại tiếp tục bị nghiêng về một phía. Giá trị hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản đã vượt xa mức xuất khẩu kể từ tháng 8 năm ngoái ngoại trừ tháng 11 khi tạm thời phục hồi trên mức 0.
Biểu đồ: Cán cân thương mại Nhật Bản thể hiện xu hướng đi xuống kể từ khi chạm đỉnh tháng 11/2021
Với thực tế là 80% mức tiêu thụ xăng dầu của Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu, khi chi phí xăng dầu tăng thì sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, qua đó gây áp lực suy giảm giá trị đồng Yên. Ngược lại, giá trị đồng Dollar Mỹ lại tăng nhờ sức hút trú ẩn an toàn và vẫn ở mức cao kể từ khi FOMC bắt đầu úp mở về khả năng tăng lãi suất vào tháng 03/2022 để đối phó với bài toán lạm phát kéo dài dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua.
Các sự kiện rủi ro trong tuần sau
Lịch kinh tế tuần tới sẽ chứa đầy các sự kiện rủi ro với tầm quan trọng cao, nhất là các sự kiện tung ra quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Bên cạnh đó, lưu ý rằng Ngân hàng Trung ương Anh cũng sẽ có cuộc họp ấn định mức lãi suất nếu nhà băng này nhận thấy có bất kỳ tác động lan tỏa nào trên thị trường, tuy nhiên, điều này có vẻ sẽ khó xảy ra nhưng dù sao vẫn là sự kiện mà các trader cần chú ý.
Thị trường lãi suất hiện dự đoán Fed có 95% khả năng tăng lãi suất lên 0,25%, còn lại 5% khả năng sẽ tăng lãi suất lên 0,5%. Trước khi xung đột xảy ra ở Ukraina, các quan chức Fed thuộc phe “diều hâu” đã ủng hộ phương án tăng lãi suất lên 0,5% nhưng lại hạ giọng xuống đáng kể kể từ khi Nga tổ chức tấn công quân sự và gây ra tình trạng biến động giá dầu sau đó.
USD/JPY: các mức kỹ thuật quan trọng
Mạch tăng phá vỡ vùng giá của USD/JPY trong thời gian gần đây có thể sẽ tạo tiền đề cho nhịp tăng phi mã do đồng Dollar Mỹ vẫn thu hút được lực hỗ trợ tốt trong bối cảnh xung đột đang diễn ra và đồng Yên vẫn tiếp tục mất giá. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ không tăng lãi suất trong tương lai gần do lạm phát chưa đạt gần mức mục tiêu 2%. Song, nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ tiến nhanh đến mức mục tiêu đó trong những tháng tới nếu giá dầu vẫn tiếp tục tăng. Do đó, đồng Dollar Mỹ có thể sẽ tăng hơn nữa so với đồng Yên.
Biểu đồ hàng ngày cho thấy USD/JPY đã phá mô hình tam giác bởi một lực rất mạnh theo chiều tăng. Nếu lực đẩy giá lên càng mạnh hơn nữa thì mức 117,95 và 118,00 sẽ trở thành các mức kháng cự đáng chú ý (mức kháng cự tại đường xu hướng) và tiếp đến là mức 118,60 (mức đỉnh năm 2017). Kể từ điểm tín hiệu quá mua của chỉ báo RSI vào đầu năm nay, thị trường đã hồi giá khá mạnh trong giai đoạn sau đó, tuy nhiên, chỉ báo này hiện vẫn chưa tăng lên mức cao như vậy, tức có nghĩa là USD/JPY vẫn có thể còn một ít dư địa để tăng nữa trước khi bị hồi giá về mức hợp lý hơn.
Biểu đồ hàng ngày USD/JPY
Biểu đồ 4 giờ giúp xác định thời điểm dịch chuyển là 00:00 GMT vào sáng thứ Sáu, thời điểm dịch chuyển sẽ diễn ra vào khoảng 9 giờ sáng ở Tokyo.