Tâm lý e ngại rủi ro đã chiếm lĩnh thị trường tài chính vào giai đoạn cuối tuần, và trái ngược với kỳ vọng chung, đồng bạc xanh đã giảm xuống. Đầu tuần, đồng Dollar Mỹ chạm mức đỉnh mới nhất năm 2021 so với đồng tiền chung châu Âu khi tỷ giá EUR/USD chạm đáy vào hôm thứ Tư ở mức 1,1185.
Trong suốt nửa đầu tuần, các bên tham gia thị trường vốn dĩ đã lo lắng về tình trạng lạm phát tăng cao, từ đó giá trị các kênh tài sản đã hấp thụ trước tác động khả dĩ của các biện pháp đối phó lạm phát như giảm nới lỏng định lượng và tăng lãi suất mà ngân hàng trung ương các nước có thể áp dụng bất cứ lúc nào.
Tâm lý bất định đằng sau làn sóng thoái vốn khỏi tài sản rủi ro
Giới đầu tư nảy sinh tâm lý lo ngại do các kết quả báo cáo kinh tế vĩ mô, vì số liệu ước tính sơ bộ của các chỉ số PMI do Markit thống kê trong tháng 11 chỉ ra rằng, tại EU, việc chỉ số này tăng lên đi kèm với sự gia tăng đáng kể về áp lực lạm phát trong tháng, với chi phí và giá bán tăng ở mức kỷ lục. Đồng thời, Mỹ cũng ghi nhận chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng vọt lên 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng mức cao nhất trong ba thập kỷ qua. Mức lạm phát PCE cơ bản là thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã hết sức thận trọng, mặc dù Biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed công bố vào hôm thứ Tư cho thấy nhiều thành viên tham gia có quan điểm cho rằng tình trạng tăng giá có thể trở nên dai dẳng hơn và ngân hàng trung ương nên chuẩn bị để cắt giảm kích thích hơn nữa nếu cần.
Mặt khác, Tài khoản Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho thấy ECB vẫn không muốn vội vàng thay đổi chính sách tiền tệ. Tài liệu này tái nhấn mạnh rằng tổng khối lượng giao dịch mua ròng trong Chương trình Thu mua Khẩn cấp trong Đại dịch (PEPP) có thể sẽ kết thúc vào tháng 03/2022 và các quyết định chính sách tiền tệ cần phải được thống nhất dựa trên dữ liệu thực tế.
Ngân hàng trung ương các nước dường như đang đối phó theo kiểu “đuổi theo” lạm phát, và giới đầu tư lo ngại kinh tế sẽ suy thoái do các nhà hoạch định chính sách ứng phó quá ít và quá muộn màng.
Màn suy thoái bất ngờ trước diễn tiến của đại dịch
Mỹ đã tổ chức Lễ Tạ ơn vào hôm thứ Năm, đóng cửa tất cả các thị trường, do đó khiến các cặp forex chính giữ ở mức tỷ giá quen thuộc và đồng bạc xanh đang đứng gần mức cao nhất trong khung thời gian nhiều tháng qua. Bức tranh tâm lý thị trường đã chuyển sang gam màu ảm đạm nhất vào cuối ngày thứ Năm, khi có tin tức ghi nhận rằng một biến thể virus corona mới được tìm thấy ở Nam Phi có chứa một loại protein dạng gai đột biến “khác biệt đáng kể” so với loại protein mà vaccine được điều chế để ứng phó, làm dấy lên lo ngại rằng chủng này có thể trốn tránh phản ứng miễn dịch, theo Reuters.
EUR/USD tăng lên mức 1,1294 vào ngày thứ Sáu và nhăm nhe chốt phiên hết tuần dưới mức đỉnh đó một vài pip. Tin tức về biến chủng mới được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang chật vật ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới, trong khi dó một số quốc gia đã công bố các biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn chặn đà lây lan. Hệ quả là thị trường hợp đồng tương lai tại Phố Wall giảm mạnh, với chỉ số DJIA giảm hơn 800 điểm trước giờ mở cửa trong bối cảnh nhiều người lo ngại rằng đà phục hồi kinh tế có khả năng chậm lại. Mặt khác, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm mạnh với mức lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm ngưỡng 1,50% sau khi nhảy múa quanh ngưỡng 1,70% vào giữa tuần.
Những yếu tố bất định liên quan đến việc các ngân hàng trung ương đều “án binh bất động” cho đến viễn cảnh mơ hồ về ảnh hưởng đại dịch đến các nền kinh tế sẽ có khả năng khiến cho thị trường dịch chuyển dòng vốn né tránh rủi ro vào tuần tới, vì cả hai tác nhân này đều có khả năng ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới.
Tuần đầu tiên của tháng 12 sẽ có nhiều thông tin cập nhật về tình hình lạm phát của châu Âu, khi đó EU sẽ công bố các số liệu ước tính sơ bộ về số liệu lạm phát của tháng 11, theo đó Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (CPI cơ bản) được dự đoán sẽ là 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 2% của tháng trước. Đức sẽ báo cáo Doanh số bán lẻ tháng 10, trong khi Markit sẽ công bố kết quả cuối cùng về PMI tháng 11 của khu vực Liên minh Châu Âu.
Tại Mỹ, trọng tâm chú ý sẽ là các chỉ số PMI chính thức do ISM thống kê cho tháng 11 và số liệu việc làm, đồng thời Mỹ sẽ công bố báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp tháng 11 vào ngày thứ Sáu. Nền kinh tế từng-là-số-một-thế-giới đã có thêm 531 nghìn việc làm mới trong tháng 10 và nếu số liệu cho tháng 11 cũng tương tự thì Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ ra tay hành động tích cực hơn.
Triển vọng kỹ thuật EUR/USD
EUR/USD đã tăng lại đôi chút, giảm bớt mức lỗ trong tuần và có tỷ giá giao dịch hơi nhỉnh hơn mức 1,1300. Biểu đồ hàng tuần cho thấy cặp forex này đã hoàn thành mô hình đỉnh kép, giảm khoảng 550 pip sau khi phá vỡ đường viền cổ ở mức 1,1703. Đợt hồi giá (pullback) hiện tại có thể tiếp tục kéo dài đến mức 1,1703 nếu EUR/USD phục hồi lên trên vùng giá 1,1470.
Tại thời điểm này, biểu đồ hàng tuần cho thấy rằng EUR/USD có thể sẽ tiếp tục suy giảm. Giá hiện vẫn nằm dưới mức thoái lui 23,6% của đợt sóng giảm tháng 10/tháng 11 ở mức 1,1305. Đồng thời, EUR/USD cũng đang nằm dưới tất cả các đường trung bình động, với đường SMA 20 giảm nhanh và sẵn sàng cắt xuống dưới các đường trung bình dài hạn hơn. Các chỉ báo kỹ thuật chỉ mới nhú lên từ vùng quá bán nên khó dự đoán trước các đợt phục hồi tiếp theo có diễn ra trong tương lai hay không
Trên biểu đồ hàng ngày, đường SMA 20 giảm đứng gần mức 1,1420, mà đây là một mục tiêu khả dĩ của phe mua trong những ngày sắp tới trên con đường chạm đến mức 1,1470 như đã đề cập, tương ứng với một mức kháng cự tĩnh dài hạn. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang điều chỉnh tình trạng quá bán nhưng vẫn nằm dưới đường giá trị trung bình nên không thể xác nhận được mức đáy tạm thời.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất nằm ngay tại 1,1200, tiếp theo là vùng giá 1,1160, tương ứng mức đáy tháng 06/2020. Nếu giá chọc thủng xuống dưới ngưỡng 1,1160 thì sẽ mở ra cơ hội thoát xuống sâu hơn để kiểm tra ngưỡng tâm lý 1,1000.