Chiêu trò lừa đảo của Tập đoàn tự xưng ERG

Sau chiêu trò lãi suất khủng 180%/năm, tập đoàn tự xưng ERG tiếp tục chào mời người dân với hình thức mua cổ phiếu với ưu đãi hấp dẫn.

Huy động vốn lãi suất “khủng” 180%/năm, nhưng nửa năm nay, ứng dụng ERG của Tập đoàn tự xưng ERG, đến từ Anh Quốc đã dừng việc rút tiền. Hàng chục nghìn nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tiền đã đầu tư.

chieu-tro-lua-dao-cua-tap-doan-tu-xung-erg-reviewsantot

Các nhà đầu tư tuyến trên của tập đoàn này tiếp tục ra 1 chiêu trò mới theo kiểu “ve sầu thoát xác”, mời chào người dân chuyển sang 1 hình thức kinh doanh mới cùng ERG. Đó là mua cổ phiếu của tập đoàn, với ưu đãi hấp dẫn.

Chia cổ tức “cơm bữa” ngày 2 lần

Cuối năm 2019, ứng dụng ERG đã bắt đầu dừng việc rút tiền với lý do bảo dưỡng hệ thống. Thỉnh thoảng ứng dụng được mở ra để các nhà đầu tư rút tiền. Nhưng sau 1 vài lệnh rút tiền được thực hiện, ứng dụng lại tiếp tục khóa.

Để lôi kéo thêm những nhà đầu tư mới, các nhà môi giới của ERG đi khắp nơi vào tận các khu công nghiệp, vận động mọi người mua cổ phiếu của ERG. Chiêu thức để đánh vào “lòng tham” của người dân lại được ERG lôi ra để áp dụng. Trước kia là mua tiền ảo, nay mua cổ phiếu.

“Tập đoàn hiện nay đang chia cổ tức ngày 2 lần, buổi sáng và buổi chiều. Chia 1 lần đã nhiều, còn chia tới 2 lần, ăn sao hết”, một môi giới của ERG cho hay.

Những bất thường từ việc chia cổ tức “cơm bữa”

“Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy việc 1 doanh nghiệp trả cổ tức như vậy. Chưa hiểu hệ thống kế toán nội bộ của doanh nghiệp tính toán như thế nào để ra được kết quả kinh doanh 1 ngày 2 lần mà trả cổ tức cho cổ đông?”, ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt ngạc nhiên, sau khi nghe về sự kiện “ngày chia cổ tức 2 lần” của ERG.

Ông Tùng cho biết hiện nay đa phần các doanh nghiệp thường chỉ trả cổ tức từ 1 đến 2 lần trong 1 năm. Có doanh nghiệp chỉ trả cổ tức 1 lần sau đại hội cổ đông thường niên và cũng có doanh nghiệp tạm ứng cổ tức trước 6 tháng đầu năm, sau khi có báo cáo tài chính kiểm soát về kết quả kinh doanh.

Nhưng trước đó, việc này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua về mặt chủ trương và ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) thực hiện. Thông thường, việc trả cổ tức cần có kết quả về tình hình sản xuất kinh doanh, HĐQT mới quyết định về việc chi trả cổ tức cho cổ đông, cho dù đã được Đại hội cổ đông thông qua ủy quyền quyết định.

Việc trả cổ tức phải được HĐQT họp để thông qua, nếu trả cổ tức ngày 2 lần, đồng nghĩa với việc Hội đồng quản trị sẽ phải họp 2 lần. Với những quy định chặt chẽ như vậy, rất khó cho việc 1 ngày trả được cổ tức 2 lần.

Nhận định từ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt

“Với 1 tập đoàn mà các nhà đầu tư không biết được rõ về nguồn gốc, tư cách pháp nhân của doanhh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, báo cáo kiểm toán, cơ sở hoạt động kinh doanh như của ERG, việc đầu tư nên rất thận trọng. Việc hứa hẹn chi trả cổ tức theo 1 cách bất thường như trên là những điểm đáng ngờ. Việc đầu tư vào cổ phiếu là hoạt động đầu tư không chịu các chế tài hoàn vốn như hoạt động cho vay vốn, người dân cần lưu ý bảo vệ tài sản cá nhân khi mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp như ERG”, ông Tùng nhấn mạnh.

“Trên thực tế, chỉ có công ty đã chắc chắn có lãi và mức lãi cũng tương đối cao thì mới tạm ứng cổ tức 1 – 2 lần/năm. Còn việc chia cổ tức mỗi ngày 2 lần thì là điều đặc biệt bất thường, vô cùng phi lý”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Nếu việc chia cổ tức không cần dựa vào kết quả kinh doanh, chỉ có thể xảy ra đối với loại “cổ phần ưu đãi cổ tức”. Tuy nhiên, nếu công ty không có lãi, sẽ “ăn” vào vốn của cổ đông khác. Nếu gần như 100% cổ đông đều được chia cổ tức mà không dựa trên cơ sở lợi nhuận kinh doanh, chỉ có lấy từ tiền gốc là vốn cổ phần của chính họ, tức “lấy mỡ họ rán họ”, hoặc vay mượn, chiếm dụng, lùa gạt tiền của người khác. Như vậy, sẽ nhanh chóng đi đến tình trạng vỡ nợ, phá sản, mất cả vốn lẫn lời.

Đến chuyện bịa đặt chuyện VTV nhận 47 tỷ đồng

Trước đó, vào tháng 10/2019, Bản tin tài chính kinh doanh của VTV phát sóng 1 loạt các phóng sự điều tra về những bất thường của Tập đoàn tự xưng ERG đến từ Anh Quốc. Sau khi phát sóng, nhiều nhà đầu tư đã liên tục rút tiền khiến cho ứng dụng của ERG phải dừng hoạt động 1 thời gian với lý do để bảo dưỡng, sau đó dừng hoạt động cho đến hiện nay.

Để trấn an các nhà đầu tư, 1 số nhà đầu tư tuyến trên của ERG đã bịa đặt ra chuyện VTV nhận 47 tỷ đồng của các sân sàn khác để đưa tin nói xấu về ERG. Một số nhà đầu tư đã tin vào chuyện bịa đặt này, nhưng có 1 số nhà đầu tư tỉnh táo hơn, không tin và quay ra chất vấn ERG thì bị đe dọa, cảnh cáo.

“Họ gọi điện, nhắn tin, yêu cầu tôi phải tuyển thêm người mới, họ sẽ có hoa hồng. Tôi không đồng ý, họ đuổi ra khỏi nhóm, chặn tài khoản của tôi. Nhóm chat của chúng tôi ban đầu có hơn 12.000 thành viên, giờ họ block gần hết chỉ còn hơn 4000 người”, một nhà đầu tư tuyến dưới của ERG tâm sự.

Các bạn theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên reviewsantot.com.