USD/JPY trên đà kiểm tra mức đáy hàng tháng

USD/JPY biến động, có khả năng suy yếu trong những ngày tới nếu không bảo vệ được phạm vi mở cửa cho tháng 8, bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm phục hồi và tăng lên 2,7910%.
Sau nhịp giảm trong phiên ngày 11/8 sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát của Mỹ hạ nhiệt vào tháng 7, khiến các nhà giao dịch quay trở lại đánh giá triển vọng tăng lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng bạc xanh đã hồi phục nhẹ trước khi giảm trở lại. Giới đầu tư ngóng đợi sự kiện công bố PPI của Mỹ vào cuối phiên thứ Năm (12/8) và các cuộc khảo sát về Tâm lý Người tiêu dùng và Lạm phát Kỳ vọng của Đại học Michigan vào ngày thứ Sáu (13/8).
Các nhà đầu tư đã giảm kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát, sau khi dữ liệu mới công bố từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số CPI Mỹ tăng 8,5% trong tháng 7, thấp hơn so với dự báo 8,7% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones, đồng thời cũng thấp hơn mức tăng 9,1% của tháng 6, do chi phí xăng dầu giảm.
Các nhà giao dịch hiện đang nhận định 58% cơ hội Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản và 42% cơ hội tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 9 này. Còn hơn một tháng mới tới cuộc họp tiếp theo của Uỷ ban Thị trường mở liên bang Mỹ (ngày 21/9), đồng nghĩa đồng USD sẽ không tăng hoặc giảm tuyến tính mà diễn biến giá sẽ tiếp tục được quyết định bởi dữ liệu và giá cả hàng hóa khi giới đầu tư cố gắng dự đoán các động thái tiếp theo của Fed.
Mở đầu phiên thứ Sáu trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,10%, xuống mốc 105,09. Sự trượt giá của đồng bạc xanh tiếp tục diễn ra vào phiên giao dịch vừa qua, có thời điểm giảm tới 0,57% vào đầu phiên.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo với sự tham gia của 114 công ty cho thấy giới doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng bi quan về triển vọng của nền kinh tế nước này. Tỷ lệ công ty tin rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chỉ là 55%, giảm mạnh so với con số 90% cách đây 1 năm và 84% vào đầu năm nay. Mặc dù vậy, có khoảng 42% lo ngại nền kinh tế nước này có thể tăng trưởng chậm lại trong vòng 12 tháng tới trong bối cảnh các công ty đang phải vật lộn với chi phí gia tăng và đồng yen yếu, tăng mạnh so với tỷ lệ chỉ 5% cách đây 1 năm.
Ngoài ra, có 83% dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ giảm tốc do các tác động tiêu cực của giá cả hàng hóa tăng cao, trong khi 58% nhận định chi tiêu dùng có thể tăng trưởng chậm hoặc thậm chí suy giảm. Có khoảng 56% cho biết sự mất giá của đồng yen so với đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này. 

Phân tích kỹ thuật USD/JPY

Sau báo cáo CPI, tỷ giá USD/JPY đã giảm mạnh từ gần ngưỡng 135, một vị trí đóng vai trò quan trọng về mặt tâm lý và có đường trung bình động 50 ngày giới hạn đà tăng. Cặp yên Nhật hiện đang bị mắc kẹt bên trong kênh giá giảm và do mức hỗ trợ gần 133,00 đã bị phá vỡ, khả năng tiếp tục giảm xuống là rất cao.
Từ đây, có khả năng giá sẽ giảm xuống dưới mức thấp nhất của tuần trước tại 130,39. Mức kỹ thuật đáng chú ý tiếp theo tại 130,00 chỉ thấp hơn mức đó khoảng 40 pip, vì vậy có khả năng USD/JPY sẽ giảm xuống  mức 130,00 trong những ngày tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *